Lo ngại dịch quay lại khu công nghiệp

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày gần đây, làn sóng dịch mới quay trở lại các địa phương trọng điểm công nghiệp tại Bắc Giang, Bắc Ninh. Đặc biệt, nhiều địa phương có số ca mắc Covid-19 cộng đồng tăng cao, trong đó, nhiều ca F0 là giáo viên, học sinh, khiến kế hoạch học tập của các trường phải thay đổi.

Bùng phát dịch tại địa phương trọng điểm công nghiệp

Tại Bắc Giang, trong ngày 1/1 phát sinh 9 ca F0 trong DN tại Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu, đây là các trường hợp F1 đã được cách ly trước đó. Các lực lượng chức năng đã khẩn trương truy vết được hàng trăm trường hợp F1, F2. Sở Y tế tỉnh Bắc Giang nhận định, dịch bệnh đang phức tạp do ca bệnh được ghi nhận ở nơi đông người, KCN, nhà trọ, yếu tố dịch tễ liên quan đến đi chung xe với công ty khác, đi nhiều nơi, có nguy cơ lây lan sang DN khác và địa phương nơi cư trú.

Tại Bắc Ninh, trong 2 ngày 30 và 31/10, tỉnh ghi nhận 186 ca mắc Covid-19, chủ yếu ca mắc trong cộng đồng và là công nhân nên nguy cơ bùng phát, lây lan dịch trong các KCN là rất lớn.
 Xét nghiệm Covid-19 cho công nhân tại Khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Minh Thu
Theo Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, tính riêng từ 6 giờ sáng 30/10 đến 6 giờ sáng 31/10, tỉnh Bắc Ninh phát hiện tới 172 ca mắc, trong đó có 168 ca phát hiện thông qua sàng lọc cộng đồng. Riêng Công ty VS Industry ghi nhận 138 ca, Công ty TNHH Funing Precision Component 19 ca… Đây là ngày ghi nhận nhiều ca mắc nhất tại Bắc Ninh trong 4 tháng gần đây.

Từ ngày 4/10 đến nay toàn tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 21 ổ dịch, 5 chùm ca bệnh, trong đó ngày 28 - 30/10, phát hiện chùm ca dương tính liên quan các công ty thuộc KCN Quế Võ và TP Bắc Ninh. Về tình hình dịch Covid-19 tại các khu/cụm công nghiệp từ 21/10 đến 6 giờ ngày 31/10, ghi nhận 191 ca. Trong đó, Công ty CP VS Industry 150 ca, Công ty TNHH Funing Precision Component - thuộc Tập đoàn Hồng Hải 24 ca, Công ty Goertek 9 ca…

Đề cập đến các biện pháp ứng phó trong tình hình mới trước diễn biến dịch căng thẳng trở lại Bắc Ninh, Bắc Giang, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế cho rằng, hiện nay, nước ta đã thực hiện nới lỏng, dịch xuất hiện những ca trong cộng đồng, kể cả ở các nhà máy, xí nghiệp là điều được báo trước. Chúng ta phải chấp nhận sự có mặt của những ca nhiễm. Tuy vậy, các đơn vị, địa phương phải phát hiện sớm nhất, khoanh vùng nhanh theo nguy cơ. Nghĩa là nguy cơ đến đâu khoanh vùng đến đó.

“Trong lúc này, chúng ta vẫn phải cách ly những trường hợp F0 để tránh lây lan. Nhưng có thể chọn giải pháp cách ly tại nhà để thuận tiện cho người dân, công nhân. Điều quan trọng, người dân, công nhân vẫn phải thực hiện triệt để các biện pháp 5K, đặc biệt trong nhà máy, xí nghiệp. Đặc biệt, với nhà máy, xí nghiệp đã tiêm đầy đủ vaccine cho công nhân, tin rằng, những trường hợp mắc cũng không đáng lo ngại. Vì vậy, chúng ta có thể kiểm soát được dịch nhưng vấn đề là vẫn phải kiên quyết, không thể lơ là, buông lỏng” - PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Đón học sinh trở lại trường phải bảo đảm an toàn

Hiện nay, theo thống kê đã có hơn 23 tỉnh, thành trong cả nước cho phép học sinh đến trường. Song, không ít nơi đã dừng học trực tiếp vì phát hiện ca nhiễm. Trước nguy cơ dịch có xu hướng phức tạp hơn, UBND huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh vừa có văn bản về việc cho học sinh tiểu học, THCS tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19, các trường mầm non, cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tạm dừng đón trẻ từ 1/11 cho đến khi có thông báo mới.

Tương tự, UBND huyện Việt Yên, Bắc Giang, cũng có quyết định cho học sinh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn nghỉ học trực tiếp chuyển sang học trực tuyến để phòng, chống dịch Covid-19. Học sinh các trường mầm non trên toàn huyện nghỉ học tại trường từ 1/11. Trước đó, các tỉnh Hà Giang, Nam Định, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Phú Thọ… do xuất hiện các ca nhiễm mới cũng đã cho học sinh một số địa bàn trong tỉnh tạm dừng đến trường. Có thể thấy, thực tế trên không cho phép lơ là các biện pháp an toàn, phòng, chống dịch khi cho học sinh trở lại trường, nhất là với học sinh tiểu học.

Đề cập đến vấn đề này, thạc sĩ Ngô Khánh Hoàng - Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho rằng, khi Hà Nội mở lại trường học thì việc an toàn trong vấn đề dịch bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Song song với đó, việc trẻ được tiêm phòng Covid-19 thì sẽ an toàn hơn rất nhiều. Nhưng tiêm phòng không phải là tất cả. “Khi đi học trở lại, chúng tôi khuyến cáo người lớn hướng dẫn các con thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế, vệ sinh cá nhân, tránh các buổi tụ tập đông người, giãn cách trong lớp học… Đó là những biện pháp để đảm bảo cần thiết cho công tác phòng, chống dịch Covid-19” - bác sĩ Hoàng khuyến cáo.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, khi chưa có kế hoạch rõ về việc tiêm vaccine thì vẫn nên duy trì việc học trực tuyến. Nơi học trực tuyến khó khăn, không thể học trực tuyến, vùng xanh, thì nên đi học tại trường. Với cấp 3, chỉ sau khi tiêm vaccine xong thì mới nên mở cửa trường trở lại, cấp 2 tùy tình hình khi gia đình, số lượng được tiêm 60 - 70% thì mở cửa lại toàn bộ. “Lý do là để đảm bảo tính thống nhất cho các cháu trong việc học tập ở từng giai đoạn nhất định… Không thể nào một trường học cứ mở cửa, có vài ca dương tính lại đóng lại thì sẽ không ổn định cho việc học tập của học sinh” - PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.

"Dù có ca cộng đồng nhưng địa phương cũng chỉ khoanh vùng những nơi có khả năng virus nhiễm, lây lan. Hay với nhà máy, xí nghiệp, nếu xét nghiệm không thấy lây lan cũng chỉ khoanh vùng, phong tỏa một phân xưởng hoặc một phòng, ban khác. Bên cạnh đó, cơ sở cũng cần phải có nhà xét nghiệm diện rộng, qua đó đánh giá nguy cơ để biết dịch lây lan đến đâu, đi đôi với việc vẫn tiếp tục truy vết." - PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần