Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lo ngại dịch sởi bùng phát

Nhật Uyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2018, Hà Nội ghi nhận 571 trường hợp mắc sởi, nhưng chỉ tính từ đầu năm đến nay, toàn TP đã ghi nhận 633 ca mắc sởi.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, điều lo ngại nhất hiện nay là nhiều gia đình vẫn không đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, dự báo số ca mắc sởi sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
90% ca mắc chưa được tiêm phòng
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, hiện 30 quận, huyện đều ghi nhận ổ dịch sởi, nhưng tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành như các quận Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Ba Đình, Hà Đông và Long Biên. Riêng trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 79 trường hợp mắc mới, tăng 19 trường hợp so với tuần cuối cùng của tháng 3.
 Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác tiêm chủng tại huyện Ứng Hòa. Ảnh: Nam Trần
Ông Cảm cũng cảnh báo, năm 2019 là năm bước vào chu kỳ dịch sởi sau 5 năm dịch bệnh sởi xuất hiện và bùng phát trên địa bàn TP từ năm 2014. Trong khi đó, hàng năm vẫn còn khoảng 3 - 5% trẻ không được tiêm vaccine sởi.
“Đặc biệt, vẫn còn một số phụ huynh không cho con đi tiêm chủng đầy đủ vaccine do gia đình lo ngại các phản ứng có thể gặp phải sau tiêm. Nhiều phụ huynh có tâm lý chờ vaccine dịch vụ dẫn đến khoảng trống trong công tác tiêm phòng” – ông Cảm lo ngại.
Ngoài ra, theo quy định, vaccine sởi tiêm cho trẻ từ đủ 9 tháng tuổi trở lên, do vậy, những trẻ dưới 9 tháng là những đối tượng có nguy cơ mắc dịch bệnh này. Thực tế, trong thời gian qua, thống kê cho thấy, có hơn 90% bệnh nhân mắc sởi chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đủ mũi.

"Hà Nội phấn đấu khống chế dịch bệnh sởi trong quý II/2019. Cụ thể, cần giảm số ca mắc sởi từ 76 ca một tuần như hiện nay xuống còn 30 ca/tuần trong tháng 4/2019 và đến tháng 6/2019 chỉ còn 10 ca/tuần." - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm

Ngoài ra, nguyên nhân của Hà Nội có số ca mắc sởi cao hơn các địa phương khác là do trên địa bàn có nhiều bệnh viện tuyến cuối, tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc sởi từ các tỉnh, TP khác nên làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Xử lý triệt để ổ dịch
Để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch sởi, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, Sở đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP phối hợp với TTYT các quận, huyện, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình bệnh sởi. Phát hiện sớm, tổ chức cách ly, điều trị kịp thời đối với các trường hợp mắc bệnh. Thực hiện xử lý triệt để các khu vực phát sinh bệnh nhân và ổ dịch theo quy định. Ngành y tế tiếp tục tổ chức hoạt động tiêm chủng thường xuyên, đảm bảo ít nhất 95% trẻ dưới 2 tuổi được tiêm 2 mũi vaccine phòng bệnh sởi ở quy mô xã, phường, thị trấn.
Ngoài ra, phối hợp với ngành giáo dục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong trường học, đặc biệt là dịch bệnh sởi. Triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi – rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi tại các trường mầm non trên địa bàn.
Cùng với hoạt động tiêm chủng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP và TTYT các quận, huyện, thị xã cử cán bộ y tế vào các bệnh viện để giám sát các ca bệnh truyền nhiễm với tần suất 2 - 3 lần/tuần. Khi phát hiện có người mắc bệnh truyền nhiễm, tổ chức ngay việc khoanh vùng, điều tra xử lý dịch tại cộng đồng theo đúng quy định. Các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện phân luồng, phân loại bệnh nhân tại khoa khám bệnh, tổ chức khu vực cách ly, bố trí buồng cách ly sẵn sàng cấp cứu điều trị khi có bệnh nhân mắc và đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, điều trị trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

"Bệnh sởi năm nay có phần đến sớm hơn và xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Người lớn mắc bệnh sởi đang trở thành mối nguy hiểm, vì chính họ là nguồn lây lan rất lớn cho cộng đồng. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, người dân không được chủ quan.

Trước hết, phải làm tốt việc cách ly bệnh nhân mắc sởi trong các cơ sở điều trị, phân luồng điều trị theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Đối với những bệnh nhân nhẹ chỉ cần cách ly ở nhà, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, không nhất thiết phải đưa vào bệnh viện để tránh nhiễm chéo.

Trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vaccine sởi cần đi tiêm chủng. Nếu không tiêm sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào. Chỉ có thể ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh khi cộng đồng dân cư được tiêm chủng vaccine phòng bệnh đầy đủ." - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu