Đầu vào thấp Cho ý kiến về Dự án Luật công an xã. Nhiều ĐB bày tỏ quan điểm không nên giao quá nhiều thẩm quyền cho công an xã, trong khi trình độ nghiệp vụ còn đang hạn chế. Bởi theo Nghị định 73, trình độ đầu vào của Trưởng công an xã là người học xong THCS trở lên, có bằng hoặc có giấy chứng nhận đã học xong THCS, còn ở nơi vùng sâu, vùng xa, vùng ít người thì chỉ tốt nghiệp Tiểu học trở lên.
Phiên họp thứ 2 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV (Ảnh: Quốc hội) |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng an ninh Võ Trọng Việt, đa số ý kiến trong Ủy ban khi thẩm tra tán thành với quy định của Dự Luật, xác định Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách. Tuy nhiên đề nghị Dự Luật cần thể hiện rõ tính chất “vũ trang bán chuyên trách” của lực lượng công an xã để thể hiện rõ địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lại cho rằng, công an xã là lực lượng tiếp xúc với người dân nhiều nhất. Thẩm quyền lại liên quan đến nhiều luật, trong đó có hoạt động liên quan đến công tác điều tra ban đầu, tuần tra kiểm soát giao thông. Đây đều là thẩm quyền quan trọng. Hiện ngay trong Pháp lệnh công an xã có nhiều quy định vượt so với Bộ Luật Tố tụng hình sự. Trong khi đó trình độ đầu vào lại thấp nhất. “Với chức năng, quyền hạn rất lớn trong đó có những quyền liên quan đến quyền con người. Với quy định về chức năng quyền hạn nếu cứ để trình độ đầu vào như thế thì khó mà đảm bảo chất lượng được”, bà Nga bày tỏ. Cùng chung quan điểm, bày tỏ lo ngại khi Luật giao cho Công an xã 11 nhiệm vụ, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ Phan Thanh Bình cho rằng “như vậy là quá nặng trong khi trình độ còn hạn chế”. Đồng thời bày tỏ, “người ta lo nhất chính là ở chính quyền nông thôn, khi có tình trạng cứ có tý chức lại xảy ra quan liêu, có tý quyền là bắt đầu không công bằng với người dân. Có lẽ cần phải nghĩ đến trình độ, giới hạn để không quan liêu. Hay việc lập biên bản lấy lời khai ban đầu là rất khó, vậy trình độ chỉ tốt nghiệp tiểu học vậy có làm được không?”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, công an xã là lực lượng bán chuyên trách là phù hợp, vì như vậy sẽ không tăng biên chế, đồng thời thể hiện đúng quan điểm không phân cấp cho địa phương trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, và ngoại giao. “Chúng ta thử tưởng tượng hơn 11 nghìn xã thì bộ máy sẽ phình lên như thế nào? Đã là công an xã thì phải sát với cơ sở”, Chủ tịch Quốc hội nói và cũng lưu ý nhiệm vụ quyền hạn của công an xã cần cân nhắc. Nắm địa bàn là đúng nhưng xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh vậy xã có làm được không? Giữ nguyên đối tượng cảnh vệ Vấn đề được quan tâm khi UBTV Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Cảnh vệ là đối tượng cảnh vệ. Theo đó, phần lớn ý kiến nhất trí giữ nguyên đối tượng cảnh vệ như quy định tại Pháp lệnh hiện hành vì khi bổ sung các đối tượng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC thì một số chức danh Bộ trưởng khác như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an cũng có vị trí, tầm ảnh hưởng quan trọng phải được bổ sung. Như vậy sẽ tăng biên chế, cơ cấu, tổ chức của lực lượng cảnh vệ và làm cho dư luận quốc tế hiểu lầm vì an ninh, trật tự ở Việt Nam phức tạp nên phải mở rộng đối tượng cảnh vệ. Về quy định sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng nên có một số quy định và phải có hướng dẫn trong trường hợp bất khả kháng thì cảnh vệ được nổ súng. Vì khi áp dụng vào thực tế khác lắm. Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: “Thực ra cho đến hiện nay về vấn đề nổ súng rất băn khoăn. Việc nổ súng trấn áp đe dọa rất quan trọng, các nước đều có, chứ không riêng gì lực lượng tiếp cận. Nếu qui định khắt khe quá thì anh em luôn luôn lo sợ vi phạm luật pháp, khó khăn trong triển khai. Kể cả anh em cảnh sát hình sự cũng sẽ khó khăn trong triển khai trong thực tế”.