Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lo ngại Hamas tiếp cận tiền ảo để tài trợ chiến sự

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Thứ trưởng tài chính Mỹ, một khi các tổ chức khủng bố không thể tiếp cận USD, sẽ cố gắng tìm các loại tiền tệ khác và từ các quốc gia khác để sử dụng.

Giới quan chức Mỹ đang kêu gọi các công ty tiền ảo triển khai biện pháp ngăn chặn những kẻ khủng bố truy cập vào nền tảng của họ.

Điều này xảy ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng Hamas có thể đã sử dụng tiền ảo để tài trợ cho cuộc tấn công vào Israel.

Bộ Tài chính Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 10 thành viên, đặc vụ của Hamas và các thực thể khác có liên quan đến tổ chức khủng bố. Ảnh: Bộ Tài chính Mỹ
Bộ Tài chính Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 10 thành viên, đặc vụ của Hamas và các thực thể khác có liên quan đến tổ chức khủng bố. Ảnh: Bộ Tài chính Mỹ

Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cảnh báo rằng nếu các công ty tiền điện tử không hành động để ngăn chặn tài chính bất hợp pháp, chính phủ sẽ có động thái cụ thể.  

Theo Thứ trưởng tài chính Mỹ, một khi các tổ chức khủng bố không thể tiếp cận USD, sẽ cố gắng tìm các loại tiền tệ khác và từ các quốc gia khác để sử dụng. 

Bộ Tài chính Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 10 thành viên, đặc vụ của Hamas và các thực thể khác có liên quan đến tổ chức khủng bố.

Theo ông Adeyemo, Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các hành động để đảm bảo rằng Hamas không còn khả năng tiếp cận nguồn tài chính cần thiết để chi trả cho các chiến binh, nhằm gây bất ổn trong khu vực và thực hiện các hành động của nhóm này thực hiện ở Israel.

Tạp chí Phố Wall trước đó đưa tin, 3 nhóm vũ trang Hamas, Thánh chiến Hồi giáo Palestine và Hezbollah đã huy động được hơn 93 triệu USD tiền điện tử trước cuộc tấn công vào Israel.

Trả lời Wall Street Journal, Elliptic, một nhà cung cấp phân tích blockchain có trụ sở tại London, cho biết không có bằng chứng nào cho thấy “Hamas đã nhận được khối lượng quyên góp tiền điện tử đáng kể”.

Thượng nghị sĩ Sherrod Brown cho biết: “Những kẻ khủng bố biết rằng chúng có thể sử dụng tiền điện tử theo những cách mà chúng không bao giờ có thể sử dụng được USD”.

Hơn 100 thành viên Quốc hội đang kêu gọi các quy định chặt chẽ hơn về giao dịch tiền điện tử.

“Hamas đang là một trong những tổ chức bị trừng phạt nặng nề nhất trên thế giới, điều đó có nghĩa là các kênh truyền thống cho hoạt động chuyển tiền toàn cầu phần lớn bị đóng cửa đối với họ,” theo Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, đồng thời lưu ý họ đã tìm ra cách lách các quy tắc đó, một quy tắc lớn: tiền điện tử.

Andrew Borene, cựu giám đốc nhóm tại trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ, đồng thời là giám đốc điều hành tại Flashpoint, một công ty tình báo mối đe dọa quốc tế, khẳng định đã đến lúc Mỹ kêu gọi các công ty tiền điện tử để mắt đến những hoạt động chuyển tiền.

“Tiền điện tử tạo ra rất nhiều cơ hội cho việc chuyển giao tài sản nằm ngoài hệ thống ngân hàng nhanh chóng truyền thống. Vì vậy, tôi nghĩ, điều quan trọng là các chính phủ cũng tham gia vào công việc theo dõi các khoản chuyển tiền này,” chuyên gia Borene nói.

Chuyên gia này cũng cảnh báo rằng người dùng tiền điện tử cũng nên cảnh giác cao độ.

Gần đây nhất, FBI đã cảnh báo về các khoản quyên góp nhân đạo giả mạo đang lan truyền trên mạng xã hội, trích dẫn một kế hoạch từ thiện giả mạo được cho là “hướng người nhận đến một trang web có thể chứa phần mềm độc hại và tuyên bố thu hút tiền điện tử cho mục đích 'nhân đạo'" ở Israel.