Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lô nước C2, Rồng Đỏ có lượng chì cao: Kết quả kiểm nghiệm liên tục “nhảy múa”

Chia sẻ Zalo

Diễn biến vụ nước giải khát C2 và Rồng Đỏ chứa chì vượt ngưỡng được người tiêu dùng rất quan tâm, tuy nhiên, kết quả những lần kiểm nghiệm lại liên tục thay đổi, nhảy múa.

Từ ngày 7 - 11/5/2016, trên mạng liên tiếp rò rỉ các phiếu kết quả xét nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia trên một số lô trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ của Công ty URC sản xuất từ tháng 2, đều cho thấy hàm lượng chì vượt ngưỡng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, kết quả phiếu kiểm nghiệm lần 3 cũng của Viện trên lại trở thành an toàn.

Trong khi đó, phía Công ty URC đưa ra thêm kết quả của 4 trung tâm kiểm nghiệm khác để chứng minh không có chuyện các lô hàng này bị nhiễm chì.
Lô nước C2, Rồng Đỏ có lượng chì cao: Kết quả kiểm nghiệm liên tục “nhảy múa” - Ảnh 1
Thế nhưng, đến ngày 20/5, Thanh tra Bộ Y tế đã yêu cầu thu hồi đối với 3 lô C2 và Rồng Đỏ khi dựa trên kết quả xét nghiệm của Viện Dinh dưỡng cho thấy, các lô nước thực sự có hàm lượng chì cao. Ba ngày sau, chính Công ty URC đã tự đưa ra quyết định dừng lưu thông thêm hai lô C2 và Rồng Đỏ sản xuất từ tháng 1, khi trên mạng lại rò rỉ thêm kết quả kiểm nghiệm chì vượt gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn của các lô hàng này.

Như vậy, đến nay đã có ít nhất 5 lô nước C2 và Rồng Đỏ của Công ty URC được thông báo thu hồi trên thị trường do chứa hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép.

Căn cứ pháp lý để người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi của mình

Theo Luật sư Hoàng Văn Dũng (Công ty Luật Bross và cộng sự), trong trường hợp người tiêu dùng đã sử dụng chai nước chứa hàm lượng chì cao, hoàn toàn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tài sản của mình bằng việc khởi kiện nhà sản xuất. Tuy nhiên, người tiêu dùng buộc phải chứng minh đã có giao dịch mua bán sản phẩm và chứng minh chai nước đó đã gây thiệt hại đến sức khỏe. Đây là điều khó khả thi vì người tiêu dùng thường không lấy hóa đơn khi mua hàng và càng khó hơn để chứng minh sự ảnh hưởng đến sức khỏe do độc chì gây ra.

Theo nhiều luật sư, điều khả thi hơn mà người tiêu dùng trông chờ là xử lý trách nhiệm doanh nghiệp, ở đây là nhiệm vụ của Thanh tra Bộ Y tế. Để bồi thường thiệt hại, lợi thế thuộc về các đại lý đã mua và tiêu thụ sản phẩm này nhiều hơn bởi họ có khả năng chứng minh thiệt hại về kinh tế.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - cho rằng, cần phải làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp và cơ quan quản lý khi chậm trễ trong việc thông tin và thu hồi các lô nước chứa hàm lượng chì cao.

Các luật sư khuyến cáo, trong trường hợp người tiêu dùng nào có ý định khởi kiện doanh nghiệp vì sử dụng chai nước thuộc 5 lô sản phẩm đang bị thu hồi nói trên, có thể tìm đến các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Sở Y tế tại địa phương để được hướng dẫn về luật và có phương án khiếu kiện phù hợp.