“Cổ tặc” hoành hànhNhiều năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa rục rịch các thủ tục đề xuất công nhận di tích Đông Sơn là di tích quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, để được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, di tích Đông Sơn cần có nhưng hố khai quật thể hiện địa tầng, văn hóa Đông Sơn trên đó. Đồng thời, Thanh Hóa cần có những hiện vật trưng bày tại tỉnh. Tuy nhiên, theo GS Phạm Quốc Quân – nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quốc gia: “Khi khai quật một số hố đào tại di tích Đông Sơn lại không có hiện vật vì trước đó nơi đây đã bị cổ tặc đào trộm. Thanh Hóa đang rất lúng túng về vấn đề này”.
Trộm cắp cổ vật không chỉ mới xuất hiện gần đây mà từ những năm thập niên 80 của thế kỷ trước – thời điểm các nhà KCH khai quật tại khu mộ người Mường ở Hòa Bình. Theo các nhà KCH, hố đào trộm cổ vật như một khu rải thảm bom B52. Bát đĩa đẹp bằng gốm được các đối tượng mua đồ cổ thu gom, chỉ còn sót lại những hiện vật sứt mẻ. Nhận xét về vấn đề này, GS Tống Trung Tín – Viện Khảo cổ học lo ngại: Nguy cơ các nhà KCH thời sau không có địa điểm nghiên cứu vì địa tầng bị xáo trộn. Ở Hà Nội, nhiều địa điểm KCH tương tự như Vườn Chuối cũng biến mất. Ví dụ như địa điểm KCH Văn Điển bị phá hoại từ những năm 1950 - 1960, biến thành nghĩa trang Văn Điển. Hay như di tích Gò Cây Táo (thôn Triều Khúc, Thanh Trì) cách đây 3.500 năm nhưng đã bị phá hoại nên không còn.
Ở dưới lòng đất đã vậy, tình trạng trộm cổ vật tại các đình, chùa cũng đau xót không kém. Đó là vụ việc tượng Phật Bà nghìn tay nghìn mắt ở chùa Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên) bị mất trộm 2 lần. Thậm chí, nhiều bảo vật hoàng cung thuộc triều Nguyễn để ở các lăng tẩm ở Huế cũng bị mất. Những năm 80 – 90 của thế kỷ trước cổ vật ấy được bán đấu giá ở Paris.
Loay hoay bảo tồnTheo GS Trịnh Sinh – nguyên cán bộ Viện Khảo cổ, ở bảo tàng nước ngoài, họ thường muốn có những cổ vật đặc trưng của một vùng, quốc gia. Do nhu cầu đó, bằng nhiều con đường, cổ vật đã cập bến các bảo tàng. Các quốc gia châu Âu đã thu thập được nhiều trống đồng ở miền Bắc Việt Nam. Bây giờ, chúng ta muốn được trả lại là điều không tưởng vì họ phải mua với giá rất cao. Ở trong nước, nhiều người cũng sẵn sàng trả tiền tỷ để mua lại cổ vật. Theo GS Trịnh Sinh, Nhà nước không có khả năng thu hồi vì giá rất cao, chưa kể điều đó sẽ phát động một đợt đào bới cổ vật mãnh liệt hơn.
Ở Việt Nam, các quy định xử phạt về hành động ăn trộm cổ vật chưa nghiêm và thiếu sức răn đe. Theo GS Phạm Quốc Quân, công tác bảo vệ di tích, di chỉ KCH không chỉ có ngành VHTT&DL mà phải sự phối hợp của nhiều ngành mới có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp, gìn giữ di sản. "Không công bằng nếu chỉ đổ lỗi cho ngành văn hóa mà phải là trách nhiệm chung của hệ thống chính quyền xã, phường, công an và cơ quan địa phương. Chống được ăn cắp cổ vật cần có giáo dục ở nhà trường, ở cộng đồng mà ngành văn hóa chỉ là cơ quan điều dẫn. Tất cả câu chuyện ấy, chúng ta phải nhìn nhận lại, với tinh thần cầu thị” - GS Phạm Quốc Quân chia sẻ.