Hãng thông tấn Reuters ngày 14/7 đưa tin, chính phủ Indonesia muốn đưa hàng trăm ngư dân ra quần đảo Natuna để khẳng định chủ quyền đối với khu vực lân cận Biển Đông sau phán quyết PCA. Theo đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã phát động chiến dịch thúc đẩy khai thác, thăm dò dầu và cơ sở phòng thủ tại các đảo sau khi xảy ra các vụ tấn công giữa hải quân Indonesia và tàu đánh cá Trung Quốc. “Chúng tôi nhận thức rằng, nếu không nhanh chóng triển khai việc này có thể gây ảnh hưởng tới sự toàn vẹn lãnh thổ Indonesia”, Bộ trưởng Điều phối Hàng hải Indonesia Rizal Ramli cho biết.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo muốn đưa ngư dân ra quần đảo Natuna khu vực lân cận Biển Đông để khẳng định chủ quyền. |
Việc công bố kế hoạch đưa ra một ngày sau khi Tòa PCA ở La Hay của Hà Lan ra phán quyết bác bỏ quyền lịch sử mà Trung Quốc nêu ra trong phạm vi của “đường chín đoạn” vô lý mà Trung Quốc nêu ra trong thời gian qua. Theo đó, chính phủ Indonesia không phải một phần trong vụ kiện lớn trên cũng như đứng ở vị trí trung lập trong phán quyết lần này và kêu gọi hòa bình, ổn định. Tuy nhiên, chính phủ Indonesia cũng phản đối sự có mặt của các tàu đánh cá của Trung Quốc trong vùng biển xung quanh quần đảo Natuna.
Bộ trưởng Điều phối Hàng hải Indonesia Rizal Ramli cho biết, ông sẽ có một cuộc họp với các nhà lãnh đạo trong nội các đối với việc di dời ngư dân từ vùng đảo Java đông đúc tới quần đảo Natuna. Theo kế hoạch, chính phủ sẽ di dời khoảng 400 tàu thuyền hoặc nhiều hơn thế tới quần đảo Natuna vào cuối tháng 10. Ngư dân sẽ được trợ cấp nhà ở, điện và internet… Chương trình này dự kiến sẽ giúp tăng cường việc đánh bắt cá ở vùng biền xung quanh quần đảo Natuna từ 9,3% lên tới 40% trong vòng chưa đầy một năm. “Chúng tôi sẽ xây dựng kho lạnh ở đó với hy vọng nơi đây sẽ trở thành thị trường ngư nghiệp lớn nhất Đông Nam Á”, ông Ramli cho biết. Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nói rằng, chính phủ Indonesia không muốn xảy ra những xung đột ở vùng Biển Nam Trung Quốc, đồng thời cũng kêu gọi các bên tránh gây căng thẳng. “Chúng tôi chắc chắn rằng, nếu các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, sẽ dễ dàng đạt được hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như trên toàn cầu”, bà Retno nói thêm.