Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loại rào cản để doanh nghiệp phát triển

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedoti - Tại Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam năm 2017 tại Hà Nội ngày 22/6, các chuyên gia, đại biểu đều cho rằng cần loại bớt vướng mắc, rào cản để các doanh nghiệp phát triển, trong đó có khối doanh nghiệp tư nhân.

Loại sự phân biệt
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhấn mạnh, trong sự phát triển doanh nghiệp cần quán triệt kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước không phải là hai mặt đối lập, không phải là đối thủ cạnh tranh “một mất một còn” mà là các bộ phận bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Kinh tế tư nhân phát triển cũng có nghĩa là kinh tế Việt Nam phát triển.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Vai trò của kinh tế phần lớn do khu vực kinh tế tư nhân quyết định với nỗ lực nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh thông qua tăng cường tiềm lực tài chính, trình độ quản lý, trang bị máy móc thiết bị công nghệ hiện đại đào tạo và sử dụng đội ngũ lao động có trình độ cao.
Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm khuyến khích thích đáng của Nhà nước để kinh tế tư nhân phát huy tốt nhất vai trò tích cực, đồng thời hạn chế những khiếm khuyết tiêu cực, trong đó tháo gỡ các rào cản thủ tục hành chính là thiết thực, cấp bách. Ông Ánh cho rằng, điều kiện tiên quyết là Nhà nước tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân, giữa DNNN và DN ngoài Nhà nước… DN hoạt động theo đúng tinh thần Luật DN 2014 là trên tất cả những lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
Nhà kinh tế nổi tiếng về các nền kinh tế chuyển đổi J.Kornai khẳng định, nhiệm vụ quan trọng nhất là tạo điều kiện thuận lợi để phát triển khu vực kinh tế tư nhân từ dưới mà động lực chủ yếu là sự ra đời mạnh mẽ của các DN tư nhân. Muốn vậy vị này cho rằng, phải xoá bỏ các rào cản chắn đang ngăn quá trình tự do đi vào thị trường, bảo đảm quyền sở hữu tư nhân bằng các thể chế đặc biệt một cách cẩn trọng để hỗ trợ sự phát triển khu vực tư nhân, chẳng hạn trong lĩnh vực thuế và tín dụng. Đó là những khuyến nghị chung cho các nước đang chuyển đổi, trong đó có Việt Nam, song chúng ta cần lựa chọn cho phù hợp.
Cần nguyên tắc bình đẳng
Xuất phát từ những quan điểm chỉ đạo, chính sách, cơ chế đối với nền kinh tế, ông J.Kornai chỉ ra, để hỗ trợ khu vực này cần dựa trên nguyên tắc cơ bản bình đẳng, không cần ưu đãi, tôn trọng, tự chủ. “Hiện khu vực tư nhân đang chứa đựng mâu thuẫn nội tại, vừa đòi bình đẳng với khu vực Nhà nước và DN có vốn FDI, lại vừa yêu cầu Nhà nước có những ưu đãi riêng, trong khi lại chưa chủ động để được tôn trọng” – vị này nói. Đồng thời khuyến cáo, sự “ban phát”, “xin – cho” và “dựa dẫm” vào Nhà nước tuy không phải đặc trưng lại khá phổ biến.
Trong khi đó, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư Phan Đức Hiếu đưa ra quan điểm của mình, dù đã nỗ lực tạo ra những kết quả tích cực hỗ trợ DN, song theo đánh giá chung thì khu vực kinh tế tư nhân chưa phát triển và phát huy hết tiềm năng, còn nhiều hạn chế về năng lực sản xuất và cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập. Nguyên nhân do nhiều yếu tố, từ vấn đề nội tại đến các quy định của pháp luật hiện có tạo ra rào cản cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và nếu có thì sự tác động đó đến đâu. Nghiên cứu đã chỉ ra là do quy định về điều kiện kinh doanh đã và đang là một rào cản lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và hoạt động của doanh nghiệp, khiếm khuyết của hệ thống quy định điều kiện kinh doanh có 5 nguy cơ gây tác động bất lợi cho hoạt động kinh doanh về rủi ro, hạn chế cạnh tranh, hạn chế sáng tạo – kinh doanh theo chuỗi, gia tăng chi phí và tác động không cân đối đến doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chính vì thế, các đại biểu đều có chung nhận định xoá bỏ rào cản của quy định về điều kiện kinh doanh để cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, năng lực cạnh tranh và sáng tạo. Đồng thời kiến nghị Chính phủ thành lập một cơ quan thực hiện nhiệm vụ này với việc là cơ quan độc lập thuộc Chính phủ, là cơ quan mang tính chuyên môn, đa dạng về cải cách luật pháp thực hiện nhiệm vụ là rà soát, phân tích, đánh giá nhằm cắt giảm những quy định bất hợp lý và trực tiếp chủ trì thực hiện việc này.