Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loạt bài về nạn “chặt chém” khách nước ngoài của báo Kinh tế & Đô thị đoạt giải B Giải Báo chí quốc gia: Chuyện bây giờ mới kể

Hà My thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thâm nhập thực tế điều tra thực hiện loạt bài “Lừa đảo, chặt chém khách nước ngoài: Vụ việc nhỏ, tác hại lớn”, nhóm phóng viên báo Kinh tế & Đô thị (Hồng Hạnh - Công Thọ) phải đối mặt với không ít nguy hiểm rình rập.

Tuy nhiên, với tâm huyết và trách nhiệm với xã hội, những khoảng tối đeo bám khách nước ngoài đã dần được đưa ra ánh sáng, nhận được những phản hồi tích cực từ phía người dân và cơ quan chức năng. Trò chuyện với nhà báo Dương Công Thọ, anh chia sẻ, bù đắp lại những chuyến thâm nhập thực tế có lúc thót tim, loạt bài đã đoạt Giải B Giải báo chí Quốc gia năm 2018.
Nhà báo Hồng Hạnh tác nghiệp tại Sa Pa, Lào Cai.
Lựa chọn một đề tài được xem là “nóng” và tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, hành trình lột trần mánh khóe lừa đảo của cò taxi và những người bán hàng rong hẳn không đơn giản, thưa anh?
- Để có được những thông tin khách quan, đa chiều nhất, chúng tôi đã mất hơn một tháng bám sát các đối tượng. Ở sân bay, tôi và nhà báo Hồng Hạnh phân công theo dõi và chia nhau các góc quay với mục đích nhận diện được “cò” cũng như quan sát được mánh khóe của cò hoạt động ở đây. “Cò sân bay” làm việc rất chuyên nghiệp và có khả năng nhận biết nhanh được đâu là “con mồi” nên ngay khi tôi vừa lên tới sân bay, lập tức đã bị “cò” phát hiện là người lạ, cử người bám sát để theo dõi. Thực sự, lúc đó rất căng thẳng, nguy hiểm và dễ dẫn đến sự manh động của đối tượng nếu sơ hở. Trước đó, chúng tôi đã được nghe chuyện từ một cán bộ quản lý sân bay Nội Bài tâm sự, từng bị “cò” đi theo về đến tận nhà để đe dọa. Nhưng chúng tôi không hề nản chí và quyết điều tra đến tận cùng.
Sau hơn 10 ngày điều tra không có bất kỳ manh mối nào, tại một khách sạn ở khu phố cổ, tôi được biết thông tin có một vị khách từ Ấn Độ sắp sang Việt Nam và nghỉ tại đây. Người này đã đến đây làm việc, dự hội thảo nhiều lần và có sử dụng số điện thoại của nhà mạng Việt Nam. Dựa vào những thông tin được cung cấp trên, tôi và đồng nghiệp đã lên kế hoạch “bày binh bố trận” theo dõi để quay được hình ảnh “cò” chăn dắt vị khách này. Đó là một đêm tác nghiệp vô cùng đáng nhớ.
Anh có thể chia sẻ rõ hơn về những chiêu trò của “cò taxi” sân bay Nội Bài?
- Thông thường khách nước ngoài sẽ cầm biển báo để tài xế khách sạn nhận ra mình, nhưng tôi đã quyết định lựa chọn không đón vị khách Ấn Độ từ sân bay theo hình thức nhìn biển báo, mà để khách tự xuống sân bay. Khi xuống sân bay không có người đón ngay, dựa vào biểu hiện đó, “cò” sẽ tiếp cận ngay và đón khách. Ngay khi “cò” dắt được hành khách lên xe thành công, tôi gọi điện báo để vị khách xuống xe, dự định nhờ cách này chúng tôi sẽ chủ động quan sát và ghi hình được một dạng bắt khách khác của “cò”.
Nhưng thật không may, khoảng 12 giờ đêm, điện thoại của vị khách không liên lạc được. Tôi và đồng nghiệp ngay lập tức bám theo xe “cò” nhưng xe di chuyển quá nhanh nên chúng tôi bị mất dấu. Chúng tôi quyết định về khách sạn nơi trả khách, ngồi đợi. Một tiếng sau vẫn không thấy vị khách Ấn Độ đâu.
Trời đã sang ngày mới, hoang mang và lo sợ. Sợ rằng du khách Ấn Độ sẽ gặp nguy hiểm nên tôi cùng đồng nghiệp và nhân viên khách sạn chia nhau đi tìm. Thật may, khi tìm thấy vị khách nước ngoài đang đi lạc trên một con phố gần khách sạn do bị “cò” đuổi xuống xe vì không trả tiền (thông thường, khách nước ngoài sang Việt Nam, nếu đi taxi của khách sạn đón thì sẽ không phải thanh toán trực tiếp). Chúng tôi được một phen thót tim, phải đến khi tìm được du khách mới thấy hoàn hồn.
Nhà báo Dương Công Thọ tác nghiệp tại sự kiện Lễ thông xe cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên.
Thế còn những thủ đoạn lừa đảo, chặt chém du khách nước ngoài tại khu phố cổ?
- Để hiểu được sự khó chịu và nỗi khổ của du khách phải mua những món đồ giá trên trời, chúng tôi đã cải trang là khách Hàn Quốc sang Việt Nam du lịch. Với thiết bị quay lén, chúng tôi đã ghi lại được toàn bộ quá trình một tay xích lô chặt chém 200.000 đồng cho quãng đường chỉ có 1,2km, gần 20 người bán hàng rong xung quanh phố cổ đã bắt phải mua những món đồ lưu niệm cũng như đồ ăn giá trên trời: 300.000 đồng/vỉ kẹo cao su, 120.000 đồng/chiếc quạt giấy, 200.000 đồng/miếng dứa... Chúng tôi đã bỏ ra hơn 3 triệu đồng chỉ để mua những món đồ giá trên trời này và cảm nhận được sự bức xúc của khách du lịch.
Sau khi đăng tải, loạt bài đã nhận được phản hồi như thế nào, thưa anh?
- Ngay sau khi đăng tải, loạt bài của chúng tôi đã được đọc giả, dư luận và các nhà quản lý rất quan tâm. Về vụ việc cò sân bay, bài viết vừa được đăng, chỉ sau 2 tiếng đồng hồ, cò lái xe là chủ biển số xe đón khách xuất hiện trên clip đã chủ động liên hệ với phóng viên và tòa soạn, nhờ chúng tôi kết nối với nạn nhân để trực tiếp xin lỗi. Ngày hôm đó, tôi cũng trực tiếp đi điều tra lại tình hình sân bay và thấy rằng số lượng cò giảm rõ rệt. An ninh tại sân bay cũng được siết chặt hơn. Nhờ có 2 clip được đăng tải trong bài viết mà cơ quan chức năng cũng nhận ra được những chiêu trò lừa khách của cò và chủ động hơn trong việc cử trinh sát cả trong và ngoài giống như cách phóng viên thực hiện để bắt được cò.
Cùng với đó, công an quận Hoàn Kiếm đã tìm ra và bắt ngay người bán hàng rong, tên là Phạm Thị Phương - bà trùm cầm đầu của đội chặt chém phố cổ chuyên dụ dỗ khách nước ngoài mua đồ giá trên trời. Khi gặp và trò chuyện với một số người bán hàng rong ở trụ sở công an, có những trường hợp hoàn cảnh thật sự rất thương tâm. Chúng tôi vừa giận mà lại vừa thương, giận là vì những hành vi của họ làm xấu hình ảnh Thủ đô văn hiến, nhưng cũng thương vì họ rất khó khăn, vì bần cùng bất đắc dĩ mà làm liều.
Sau khi loạt bài được đăng tải, chúng tôi đã được cộng đồng DN viết thư cảm ơn. Trên mạng xã hội, mỗi bài viết được chia sẻ với khoảng 200.000 lượt đọc, rất nhiều người vào bình luận, nhất là những DN trên phố cổ. Họ cảm ơn nhóm phóng viên cũng như tờ báo đã phát hiện và giúp cho công chúng hiểu hơn về thực trạng này để có những biện pháp điều chỉnh. Những DN ở phố cổ chia sẻ rằng, nhờ có những bài báo này đã lấy lại cho họ sự trong sạch, sự tử tế trong kinh doanh. Cũng nhờ thế mà họ tiếp tục thực hiện được mong muốn xây dựng thương hiệu và lấy lại được nụ cười với du khách nước ngoài khi đến Việt Nam.
Dù mất nhiều thời gian điều tra, phải đương đầu với không ít khó khăn vất vả, áp lực, kể cả hiểm nguy; nhưng tôi và nhà báo Hồng Hạnh đều cảm thấy vui và hạnh phúc vì đã góp sức đẩy lùi vấn nạn lừa đảo, chặt chém khách nước ngoài để giữ gìn danh thơm, văn hóa truyền thống của Thủ đô Hà Nội.
Xin cảm ơn nhà báo!
Loạt bài “Lừa đảo, chặt chém khách nước ngoài: Vụ việc nhỏ, tác hại lớn” vinh dự đạt Giải B - Giải Báo chí Quốc gia năm 2018; Giải A - Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; Giải B - Giải Báo chí Ngô Tất Tố năm 2018.