Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lợi dụng vốn kích cầu là vi phạm đạo đức

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Gói kích thích này chỉ là biện pháp nhất thời trong một khoảng thời gian nhất định nên số lượng cán bộ vẫn thế mà họ phải làm kiêm nhiệm vụ nên vất vả nhiều, trách nhiệm cao.

KTĐT - Gói kích thích này chỉ là biện pháp nhất thời trong một khoảng thời gian nhất định nên số lượng cán bộ vẫn thế mà họ phải làm kiêm nhiệm vụ nên vất vả nhiều, trách nhiệm cao.

Rất buồn về việc một cán bộ ngân hàng trục lợi vốn vay kích cầu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết đây là trường hợp đầu tiên và đề nghị xử lý thật nghiêm.

Công an Đồng Tháp vừa khởi tố Phó phòng Giao dịch Vietcombank thị xã Hồng Ngự Phạm Công Hải về hành vi nhận hối lộ. Cán bộ ngân hàng này được cho là đã sử dụng sổ đỏ của các hộ nông dân để làm thủ tục vay 5,6 tỷ đồng ở Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng cổ phần Kiên Long. Tuy nhiên, số tiền các hộ dân thực vay chỉ là 2,615 tỷ đồng. Bên hành lang Quốc hội chiều 27/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu trao đổi với báo giới về vụ việc này cũng như các vấn đề liên quan tới gói kích cầu cấp bù 4% lãi suất.

- Cơ quan công an vừa khởi tố với Phó trưởng Phòng giao dịch Vietcombank thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) lợi dụng chính sách cho vay vốn kích cầu của Chính phủ để trục lợi hàng tỷ đồng. Ông nghĩ thế nào về vụ việc này?

- Trưa nay, tôi đã được anh em báo cáo vụ việc và đã yêu cầu chiều nay phải gửi hồ sơ cho tôi xem xét. Quan điểm của tôi là sai thì phải xử lý thôi. Tuy nhiên, thông tin mà tôi được biết có hai “cò” bên ngoài lợi dụng chính sách thu gom sổ đỏ của bà con nông dân để vay ưu đãi. Cái này cần điều tra cụ thể chưa nên vội kết luận. Còn nếu đã phát hiện sai mười mươi thì cứ theo pháp luật mà xử lý. Tôi không bao che.

- Đã phát hiện một số trường hợp như vậy thì kế hoạch thanh tra nội bộ ngân hàng được tiến hành thế nào?

- Chúng tôi chủ động kiểm tra ngay từ tháng 3 chứ không phải khi dư luận phát hiện, báo chí vào cuộc mới tiến hành làm. Tháng 6 vừa rồi chúng tôi tiến hành kiểm tra toàn diện tất cả các ngân hàng và đến tháng 8 thì kết thúc, lúc đó, chưa phát hiện trường hợp nào. Có thể bộ máy của chúng tôi cả triệu người rất khó kiểm tra hết. Chúng tôi sẽ kiểm soát chặt hơn nữa trong thời gian tới. Cách thức vẫn là dựa trên hồ sơ, hóa đơn, chứng từ… Cá nhân tôi cũng trực tiếp đi kiểm tra tại một số chi nhánh ngân hàng. Căn bản anh em cán bộ làm rất tốt và có trách nhiệm.

- Vừa rồi ngân hàng có công bố con số 4.000 khoản chi sai. Xin ông giải thích thêm về con số này?

- Chính xác là 3.910 khoản chưa hoàn tất hồ sơ, sai về mặt thủ tục với số tiền 8.300 tỷ đồng. Khoản này gọi là chi sai tức là sai về mặt thủ tục, nghiệp vụ chứ không phải sai là thất thoát tiền của của Nhà nước. Còn hiện tượng gian lận trục lợi thì trường hợp ở Đồng Tháp là đầu tiên. Vụ việc này giống như đã xảy ra mượn sổ đỏ vay vốn ngân hàng hưởng chính sách ưu đãi. Vụ việc sẽ do cơ quan chức năng điều tra làm rõ và có kết luận cuối cùng.

Tại các hội nghị ngành tôi đều nói rằng tất cả các ưu đãi đều tác động đến đạo đức. Tôi đã nhắc anh em ngay từ đầu không được vi phạm đạo đức. Nếu vi phạm về đạo đức mà bị phát hiện thì đó là nỗi nhục nhã không chỉ của riêng người đó mà còn là cả của gia đình. Trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực thoát khủng hoảng thì cá nhân nào đó lại lợi dụng thì đây đúng là thuộc về phạm trù đạo đức. Theo tôi phát hiện là phải xử lý, tôi rất buồn vì có những trường hợp như vậy nhưng tôi vẫn cho rằng cần xử lý mạnh nghiêm để răn đe.

- Ông nói sao về thông tin chỉ có 20% doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ lãi suất?

- Điều này chưa thật đúng. Chúng ta có 390.000 doanh nghiệp, nhưng trong số này bao nhiêu doanh nghiệp đã dừng hoạt động, đang hoạt động hay phá sản. Số liệu này chúng ta chưa có. Hơn nữa, trong số các doanh nghiệp đang hoạt động có doanh nghiệp họ có năng lực không cần vay vốn. Đâu phải doanh nghiệp nào cũng thiếu vốn. Chưa kể có 13 nhóm đối tượng không cần hỗ trợ. Cho nên đánh giá như vậy là không thỏa thỏa đáng.

- Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã đề xuất ngừng hỗ trợ 4% lãi suất cho các khoản vay lưu động. Quan điểm của ông thế nào?

- Ngày mai sẽ có báo cáo cụ thể trước Quốc hội về vấn đề này. Chính phủ sẽ bàn kỹ.

- Qua thực hiện gói kích cầu lần một chúng ta rút được bài học kinh nghiệm gì?

- Thực ra gói kích thích lần này chỉ là hình thức thông qua ngân hàng chuyển 4% lãi suất cho doanh nghiệp. Có một vấn đề là anh em cán bộ quá vất vả. Gói kích thích này chỉ là biện pháp nhất thời trong một khoảng thời gian nhất định nên số lượng cán bộ vẫn thế mà họ phải làm kiêm nhiệm vụ nên vất vả nhiều, trách nhiệm cao. Tôi đi kiểm tra 21 tỉnh thành thấy 6h30 chiều vẫn thấy anh em làm việc, lẽ ra 5h hơn họ đã được về rồi. Nền tảng không có gì thay đổi, công việc này anh em cán bộ vẫn làm.

Các nước có nội lực khá, họ chỉ dùng ngân sách của họ để thực hiện một số mục tiêu nhất định. Chúng ta thì dùng tổng thể, hỗ trợ tổng thể, tập trung hài hòa. Tôi đã làm việc với Chủ tịch của ADB họ đánh giá rất cao gói kích thích của chúng ta. Đây là việc làm chưa có tiền lệ trên thế giới cũng như ở VN. Các nhà khoa học cũng đánh giá đây là sáng tạo của chúng ta. Tôi mới làm chủ tọa của IMF các chuyên gia cũng khẳng định VN cũng là điểm sáng trong khu vực về thoát khủng hoảng. Tất nhiên cũng có một số tồn tại cần khắc phục.