Nguyên nhân của thất bại Nhìn từ không ít DN "chết lâm sàng", phá sản hay đang đứng trước bờ vực phải giải thể… từ năm 1986 đến nay, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài nguyên nhân do năng lực, trình độ khiến DN không thể trụ lại trên thị trường, còn có nguyên nhân sâu xa do DN thiếu ý thức xây dựng văn hóa DN. Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - TS Vũ Tiến Lộc: Văn hóa của một DN là yếu tố "giữ lửa", là "cái neo" để đảm bảo an toàn cho những bất an trong sản xuất kinh doanh của DN đó. Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Đinh Xuân Dũng - Ủy viên Hội đồng lý luận T.Ư thẳng thắn nhìn nhận: "Văn hóa lãnh đạo, văn hóa ứng xử hàng ngày trong các quan hệ chủ - thợ… đang là những vấn đề không được quan tâm ở tầm nhìn văn hóa DN. Và đó là một nhân tố trực tiếp tạo nên sự tạm bợ và những biểu hiện văn hóa như hách dịch, nịnh bợ, cơ hội trong các quan hệ của một số DN". Theo ông, những stress trong hoạt động kinh doanh, cộng thêm những stress phải thường xuyên đối phó sẽ làm cho DN, doanh nhân và cả người lao động quay cuồng trong xử lý hàng ngày, khiến năng lực làm việc bị hạn chế. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong kinh doanh.
Nhạc sĩ An Thuyên phát biểu tại Hội thảo . Ảnh: Hồ Hạ
Trên thực tế, những vụ việc kinh doanh phi pháp như buôn bán ma túy, mại dâm, nhập lậu thực phẩm thối… được phanh phui thời gian qua đã khẳng định văn hóa DN có nhiều bất cập. Đúng như GS.TS Nguyễn Văn Khang - Chủ nhiệm ngành Việt Nam học, ĐH Thăng Long nhận định, nhiều hiện tượng thiếu văn hóa trong kinh doanh đã được cha ông đúc kết như: "Kinh doanh có mục đích là để kiếm lời: "Nhất bản vạn lời", "một vốn bốn lời". Để kiếm được nhiều lời, không loại trừ cách làm gian dối: "Thật thà như thể lái trâu", "buôn gian bán lận". Lời giải Bài học thành công từ các tập đoàn kinh tế lớn là luôn xây dựng văn hóa DN từ trong sản xuất, kinh doanh để tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững. Như vậy, văn hóa không phải "đồ trang sức", mà là động lực phát triển, đồng thời là "sức mạnh mềm" của quá trình quản lý DN. Theo TS Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư: “Cần phải có một hiệp hội xây dựng và thiết lập hệ thống các mô hình văn hóa DN, chuẩn mực văn hóa DN một cách khoa học, nhất quán, kiên trì và phù hợp với văn hóa Việt Nam. Muốn vậy, cần có một tổ chức chịu trách nhiệm thực hiện. Tổ chức này có khả năng tập hợp được các lực lượng xã hội am hiểu về kinh tế, DN và văn hóa, đó là các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế, các doanh nhân, các nhà văn hóa… Nghĩa là, một tổ chức xã hội mang tên Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ra đời trong thời điểm hiện tại là điều cần thiết" - ông Nguyễn Thế Kỷ bày tỏ quan điểm. Quan điểm này cũng nhận được sự tán đồng của nhiều người làm văn hóa, cũng như các chuyên gia kinh tế. Ngoài việc xây dựng văn hóa DN cần thiết để đứng vững trong thị trường nội địa, văn hóa DN cũng tạo tiền đề, sự quy củ để DN có khả năng và cơ hội hội nhập quốc tế.