Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lợi ích nào từ "bò điên" Stoichkov?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Stoichkov đang đòi VFF một mức lương tương tự như thế, cộng với yêu cầu bất di bất dịch rằng ông phải đưa theo cả 2 người trợ lý đã từng theo ông tới Nam Phi

KTĐT - Stoichkov đang đòi VFF một mức lương tương tự như thế, cộng với yêu cầu bất di bất dịch rằng ông phải đưa theo cả 2 người trợ lý đã từng theo ông tới Nam Phi, là cánh tay phải Antonio Lopez Habas và trợ lý thể lực Miguel Martinez Gonzalez.

Nếu Stoichkov làm huấn luyện viên trưởng đội tuyển, bóng đá Việt Nam sẽ có những trải nghiệm mới, dù cho chúng ta đã và đang đọc được khắp nơi rằng huyền thoại người Bulgaria chẳng khác gì một quả bom nổ chậm.

“Bò điên” Stoichkov


Ở một xã hội mà chuyện biệt danh của mỗi người đã trở thành nét văn hóa đặc trưng như của chúng ta hẳn sẽ giúp mọi người dễ dàng hiểu Hristo Stoichkov là ai nếu biết rằng trong số gần chục biệt danh có 4 cái tên nghe sởn gai ốc là Người Bulgaria điên, Dao găm, Súng ngắn, Bò điên.

Chúng ta đã và đang thuộc về một nền bóng đá mà chuyện các cầu thủ đánh nhau trên sân cỏ và các cầu thủ đánh trọng tài cũng không hiếm, thì vẽ nên chân dung một cầu thủ mới 19 tuổi đã bị cấm thi đấu suốt đời vì đánh nhau cũng không phải quá khó: Stoichkov tham gia vụ đánh lộn trong trận chung kết Cúp QG Bulgaria 1985 khi anh khoác áo CLB CSKA Sofia. Nhưng sau đấy, án “chung thân” của Bò điên giảm xuống chỉ còn 1 năm. Và ở mùa đầu tiên khi chơi cho Barcelona (1990-1991), Stoichkov kịp khiến cho CLB khổ sở vì gây hấn với trọng tài để rồi bị treo giò tròn 2 tháng.

Stoichkov có một câu nói bất hủ và khiến những ai làm việc cùng ông phải e sợ, tuyên bố đại ý: Dù mai này có lên lão, mái tóc không còn xanh đen nữa, nhưng những thói điên rồ thời trai trẻ trong ông sẽ không bao giờ mất đi.

Stoichkov thốt lên câu nói ấy hồi năm 2005, 2 năm sau khi chuyển sang sự nghiệp huấn luyện tiếp tục chất chồng những scandal. Ông chửi trọng tài ở vòng loại World Cup 2006 khi Bulgaria không thể giành vé tới Đức. Các ngôi sao ở đội tuyển Bulgaria tẩy chay ông và thề rằng nếu còn ông họ sẽ không bao giờ trở lại với đội tuyển xứ hoa hồng. Và năm ngoái, dù đã đi tới đất nước Nam Phi đẹp như tranh và những con người hiền hậu để hành nghề, Stoichkov vẫn không thể “cai nghiện” cái bệnh cãi vã và mắng nhiếc trọng tài.

Không hiểu nếu mai này, Stoichkov - một cựu ngôi sao tầm cỡ thế giới, người đã từng nếm trải tất cả các vinh quang của một cầu thủ nhà nghề của bóng đá châu Âu, dẫn dắt đội tuyển Việt Nam thi đấu ở Đông Nam Á với Lào trong một trận đấu tắm đẫm những quyết định kỳ quặc của một trọng tài Campuchia, thì ông sẽ kiểm soát bản thân của mình thế nào?!

Nhưng, Nam Phi lại là nơi và mùa bóng 2009-2010 là giai đoạn mà Stoichkov thành công nhất trên cương vị huấn luyện viên (HLV), để ông có thể ít nhiều tự hào về kết quả của mình trên ghế huấn luyện: Ngay mùa đầu tiên dẫn dắt CLB Mamelodies Sundowns chơi ở giải Ngoại hạng Nam Phi, Stoichkov tuy không thể đưa CLB từng 5 lần vô địch nước này lên ngôi số 1, nhưng nó cũng kết thúc ở vị trí thứ hai.

Và đó không phải là kết quả quá tệ cho mức lương 100.000 USD (700.000 rand) mà Mamelodies Sundowns mỗi tháng trả cho vị HLV từng được xếp vào diện khi là cầu thủ hay bao nhiêu thì khi làm thầy lại dở bấy nhiêu.

Lợi ích nào từ Stoichkov?

Stoichkov đang đòi VFF một mức lương tương tự như thế, cộng với yêu cầu bất di bất dịch rằng ông phải đưa theo cả 2 người trợ lý đã từng theo ông tới Nam Phi, là cánh tay phải Antonio Lopez Habas và trợ lý thể lực Miguel Martinez Gonzalez.

VFF chấp nhận trả, khả năng lớn hơn là được tài trợ tiền lương cho Stoichkov, chúng ta cũng sẽ đối diện một khả năng khác là sẽ có một HLV cứng đầu, có xu hướng đối đầu với các trọng tài, và ở đội bóng sẽ chẳng có ngôi sao nào ngoài Stoichkov cả.

Vậy thì, đâu là lợi điểm lớn nhất khi chúng ta thuê huyền thoại được mệnh danh Bò điên?

Có một luồng suy nghĩ chạy qua và đã đứng lại ở trong đầu nhiều người rằng nếu có Stoichkov, hình ảnh của đội tuyển sẽ được quảng bá. Có thể, nhất là xét trên góc độ truyền thông, bởi Stoichkov mà dẫn dắt đội tuyển Việt Nam là thứ có thể gây tò mò cho cả thế giới. Danh tiếng trong quá khứ của Stoichkov vừa giúp ông được vào vai mới: Lãnh sự danh dự của Bulgaria ở thành phố Barcelona. Đích thân Thủ tướng Bulgaria Boiko Borisov đề nghị và lý giải rằng: “Ở đó, Stoichkov là Chúa. Và tôi muốn ngợi khen anh ấy vì những hoạt động không mệt mỏi phục vụ cho hình ảnh của đất nước”.

Chỉ tiếc, được lên báo và được tìm hiểu bởi cả thế giới không phải là mục tiêu tối thượng của một nền bóng đá đang cần thành tích ở mọi đấu trường.

“Một người am hiểu về bóng đá là người đưa ra quyết định thay đổi người chính xác trong trận đấu. Còn không, anh ta chỉ biết bình luận khi trận đấu kết thúc...”. “Một HLV giỏi chưa chắc đã thành công, vì cần có rất nhiều yếu tố”. Stoichkov đáp trả các chỉ trích như thế.

Và cũng đừng trông chờ Barcelona vĩ đại sẽ tới Mỹ Đình đá giao hữu với đội tuyển Việt Nam với giá rẻ chỉ vì ở đây có huyền thoại một thời của họ làm HLV trưởng. Bóng đá chuyên nghiệp và thương mại không đặt chữ tình lên trên hết một cách giản đơn như thế.

Có thể là đội tuyển sẽ dễ gọi tài trợ hơn, nhưng lâu nay chúng ta chứng kiến cứ có thành tích thì doanh nghiệp mới đổ xô vào tài trợ.

Câu trả lời cho lợi ích của Stoichkov chỉ nằm ở những điểm khác, từ sự thay đổi về tư duy dám chơi với sao cho tới công cuộc xây dựng đội tuyển sẽ tuân theo những chuẩn mực mới của bóng đá chuyên nghiệp thực thụ. Nhưng phải thành thực rằng những điều này mới chỉ là kỳ vọng.

Có lẽ, vẫn chỉ có người hâm mộ và giới truyền thông thích thú với phương án Stoichkov hơn cả. Và sẽ không bất ngờ, ngay cả khi có tài trợ tiền lương cả triệu USD thì bóng đá Việt Nam tới đây vẫn sẽ có một HLV kém nổi tiếng nhưng lại có cảm giác an toàn nhiều hơn.

Nên nhớ, mạo hiểm chưa bao giờ là thói quen ở đây cả.

Stoichkov đến Hà Nội làm việc với VFF cuối tháng Tư trong 3 ngày theo lời mời và chi phí đài thọ của các đại gia từ Bulgaria và Việt Nam. Ông cam kết nếu trở thành HLV đội tuyển, sẽ xây dựng và phát triển cả hệ thống bóng đá trẻ. Hiện Stoichkov đã về Bulgaria.