Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lời khuyên đi xe an toàn của cụ ông U80

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghe chúng tôi đề cập chuyện sử dụng xe máy khi tham gia giao thông, dù sắp qua tuổi bát tuần, nhưng cụ ông Phạm Ngọc Phương (Khu đô thị Nam Trung Yên) vẫn say sưa kể cho tôi nghe về một thời cụ và bạn bè “chơi” xe máy cách nay hơn nửa thế kỷ.

 65 năm đi xe máy, chỉ bị tai nạn 2 lần      

Sau 1954, cụ Phạm Ngọc Phương về công tác tại Sở Y tế Hà Nội, được cơ quan phân phối 1 chiếc xe đạp thống nhất. Nhưng vì mê xe mô tô, nên cụ đã bán chiếc xe đạp, “đầu tư” thêm mấy cây vàng mua lại “con” ETZ 150 của Cộng hòa dân chủ Đức. Thời điểm ấy, để có một chiếc xe máy đã khó, để vận hành nó còn vất vả hơn nhiều, vì xăng phải mua theo tem phiếu, phụ tùng lại cực hiếm. Mỗi khi “ngựa chiến” đau ốm là “ông chủ” chỉ còn nước tự xoay trần ra mà sửa chữa, vì lúc đó không có nhiều hiệu sửa xe, đồ đạc phụ tùng thay thế như bây giờ. 
Ông Phạm Ngọc Phương say sưa nói về thú chơi xe.
Ông Phạm Ngọc Phương say sưa nói về thú chơi xe.
Một lần, cụ cùng người bạn “cưỡi” con MZ 350cm3 về Hưng Yên chơi, đang chạy với tốc độ 40km/giờ, bất thần gặp đàn trâu đi qua đường. Dù đã cảnh giác cao, giảm tốc độ tối thiểu nhưng bị giật mình trước tiếng động cơ giòn giã của chiếc xe, đàn trâu chạy tán loạn. Một con đâm vào hất tung xe lên. Vụ va chạm khiến người thì dập xương chân, kẻ bị xe đè lên, ông còn bị dập cả chiếc mũ cối mới dù nó “cứng như đá”. Một lần khác, trên đường đi làm, cụ bị một người đi xe đạp ngủ gật tông vào. Cũng may cả hai tai nạn nói trên đều không gây hậu quả nghiêm trọng về người và phương tiện. “Trong suốt 65 năm dùng xe máy, tôi chỉ bị đúng 2 tai nạn nêu trên” - cụ Phương nói.      

Lời khuyên cho lớp trẻ          

Cụ Phạm Ngọc Phương chia sẻ, khi đã ngồi lên xe máy, mọi người phải nắm vững và tôn trọng Luật Giao thông đường bộ, có kiến thức về xe, có đủ sức khỏe và thận trọng không bao giờ là thừa. Hiện nay, hầu như ai cũng có xe máy, việc đi lại của người dân đa phần trông vào phương tiện cá nhân này. Bây giờ nhiều xe tốt nhưng không ít người điều khiển xe cẩu thả, thiếu ý thức và trong số họ, ít người có thể phát hiện, sửa chữa xe khi hỏng hóc. Thói quen của nhiều người hiện nay là lên xe, đề nổ, rú ga phóng đi, trước lúc khởi hành mấy ai chịu kiểm tra phanh hay côn, ga một cách thận trọng. "Thực ra những động tác kiểm tra rất đơn giản, chẳng tốn bao nhiêu thời gian, lâu dần tạo thành một thói quen đơn giản mà lại hữu ích cho cả xe lẫn người điều khiển. “Xe tốt mấy mà không biết chăm sóc thì cũng có lúc hỏng và gây ra mất an toàn” - cụ Phương nói.

Nói về ý thức khi tham gia giao thông, cụ Phương cho rằng, phần lớn người tham gia giao thông bây giờ tỏ ra coi thường luật lệ. Nhiều trường hợp không qua trường lớp dạy lái đàng hoàng, cứ có tiền là mua xe “phi nước đại” dẫn đến tai nạn tràn lan. Khi điều khiển xe đi trên đường, ít người chịu nghĩ đến chuyện những người đi bên cạnh mình cảm thấy thế nào khi mình phạm luật, hay mình lấn làn, ngược đường, vượt ẩu có gây nguy hiểm cho người khác không. Đổi lại là mình, khi đi đúng luật mà bị những người thiếu ý thức tham gia giao thông gây nguy hiểm, tai nạn mình cũng rất bức xúc. Bởi thế, mình phải học lái xe cho đàng hoàng, học thật tốt, học thành công rồi hãy điều khiển xe, đừng cẩu thả để rồi gây họa cho bản thân và xã hội.