Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lối thoát cho suy thoái

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Giữa lúc cuộc chiến của các chính trị gia Mỹ liên quan đến vấn đề cắt giảm chi tiêu vẫn chưa ngã ngũ, người dân nước này bắt đầu phàn nàn về tình trạng hệ thống hạ tầng đang xuống cấp và không được đầu tư xứng tầm.

Sự phẫn nộ đã tăng lên cao khi Washington đã chi 800 tỷ USD mỗi năm cho quốc phòng nhưng chỉ dành cho các công trình công cộng đã giảm từ 320 tỷ USD năm 2008 xuống chỉ còn 275 tỷ USD trong năm 2012.

Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ đầu tư xây dựng hạ tầng công cộng trên GDP đã ở mức thấp nhất kể từ khi số liệu này được thống kê từ đầu những năm 1990, đạt hơn 17% GDP.

Ngược lại, chi tiêu quốc phòng không hề suy giảm trong suốt giai đoạn trên, ngay cả trong thời điểm nước Mỹ rơi vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất. Người dân Mỹ cho rằng, việc cắt giảm chi tiêu, cân đối thâm hụt là điều cần làm nhưng đối tượng để cắt giảm phải đúng và trúng.
 
 
Lối thoát cho suy thoái - Ảnh 1
Hành khách đi tàu điện ngầm ở bến Oxford Circus (Anh).
 

Thay vì đổ tiền theo đuổi các chương trình cung cấp những dịch vụ miễn phí không cần thiết, đã đến lúc Washington phải triển khai nhiều hơn nữa các chương trình xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng.

Các chuyên gia cũng khẳng định, với tỷ lệ thất nghiệp cao và chi phí đi vay thấp gần bằng 0% mà Cục Dự trữ T.Ư Mỹ duy trì gần 2 năm nay, hiện đang là thời điểm hoàn hảo để chính quyền của Tổng thống Barack Obama đưa ra cam kết để nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đang bắt đầu xuống cấp trầm trọng.
Nếu một vài ngàn tỷ USD được đầu tư cho cầu, đường, hệ thống sân bay, nhà ga tàu điện ngầm trong một thập kỷ tới, chắc chắn năng lực cạnh tranh của nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ được củng cố và tạo thêm việc làm cho hàng triệu lao động khác.

Thậm chí, nhiều người cho rằng đã đến lúc Mỹ phải học tập những chính sách mà đồng minh thân cận ở bên kia bờ đại dương là Anh đang thực thi.

Vừa phải đối diện với yêu cầu cắt giảm ngân sách vừa phải thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế đã 3 lần rơi vào suy thoái trong vòng 5 năm qua, London đã phải hứng chịu không ít sóng gió khi quyết định đầu tư nâng cấp hệ thống tàu điện ngầm.

Tuy nhiên, thay vì phải chịu cảnh trễ giờ đến ga như những khách đi tàu tại Mỹ, người Anh và du khách không phải chịu bất kỳ phiền toái nào về chất lượng phục vụ, lịch trình của tàu cũng được đảm bảo tuyệt đối.

Vì thế, nhiều người Mỹ đặt câu hỏi, nếu như nước Anh, vốn đang bị yêu cầu cắt giảm chi tiêu ám ảnh lại mạnh tay chi tiền cho hệ thống giao thông công cộng, tại sao Washington không quyết tâm đầu tư cho hạ tầng cơ sở như một phương thức để thoát khỏi tình trạng sụt giảm tăng trưởng hiện nay?