Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lỗi từ chính sách?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Một loạt hạn chế đã được chỉ ra trong Báo cáo rà soát các vấn đề của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam của Bộ Công Thương vừa gửi tới Chính phủ.

Bộ Công Thương đã chính thức thừa nhận, hầu như tất cả các chỉ tiêu của quy hoạch về sản lượng xe, tỷ lệ đáp ứng nhu cầu của thị trường, tỷ lệ nội địa hóa sản xuất… đều không đạt yêu cầu.

Không đạt

So sánh hiện trạng năm 2010 với các chỉ tiêu được đặt ra tại Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam theo Quyết định 177/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong báo cáo của mình, Bộ Công Thương thừa nhận, hiện duy nhất chỉ có chỉ tiêu xuất khẩu linh kiện, phụ tùng là vượt. Trong khi các chỉ tiêu về sản xuất động cơ các loại, hộp số, cụm truyền động đều là "con số không". Trong phân khúc xe dưới 9 chỗ ngồi, những chỉ tiêu đạt được đều thấp hơn nhiều so với Quy hoạch đề ra. 


Lỗi từ chính sách? - Ảnh 1
Lắp ráp linh kiện hoàn thành sản phẩm tại Công ty Vinaxuki.Ảnh: Đông Phong

Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2011, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã đáp ứng được 74% nhu cầu thị trường trong nước, giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 80.000 lao động, với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Ngành ô tô cũng đóng góp trên 2% cho tổng thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, có một thực tế, ngành công nghiệp phụ trợ ô tô Việt Nam rất kém phát triển. 

Đến nay, cả nước có khoảng 210 DN (với hơn 26.000 lao động) tham gia sản xuất các loại linh kiện, phụ tùng ô tô, nhưng sản phẩm chủ yếu là các linh kiện giản đơn, ít bí quyết công nghệ, có giá trị thấp trong cơ cấu nội địa hóa sản phẩm. Tổng số DN phụ trợ tại Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 so với Indonesia, và 1/50 so với Thái Lan. Nếu ở phân khúc xe khách trên 10 chỗ, xe tải dưới 5 tấn do DN trong nước sản xuất, lắp rắp (như Công ty ô tô Trường Hải, Xuân Kiên, Chiến Thắng) tỷ lệ nội địa hóa đến 40% thì hàm lượng sản xuất nội địa hóa ở các xe du lịch dưới 9 chỗ lại gần như không đáng kể. Chỉ có riêng sản phẩm xe 7 chỗ Toyota Innova đã đạt được tỷ lệ nội địa hóa là 38%. 

Tuy nhiên, như chính đại diện Công ty Toyota Việt Nam (TMV) thừa nhận, DN này đã không mặn mà với việc gia tăng hàm lượng nội địa hoá trong xe Innova sản xuất tại Việt Nam kể từ năm 2009, thời điểm thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng xe 7 chỗ này tăng mạnh. Các kế hoạch đầu tư 4 bước nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của xe Innova lên mức 60% vào năm 2018 được TMV đặt ra trước đó để cạnh tranh hiệu quả với xe nhập khẩu cũng đã bị trì hoãn vô thời hạn kể từ năm 2010.

Có một phần lỗi tại chính sách

Không đạt được số lượng xe theo Quy hoạch, các DN sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam cũng được đánh giá là không được chuyển giao công nghệ tiên tiến của nước ngoài. Nguyên nhân được chỉ ra là do thị trường Việt Nam còn nhỏ, sản phẩm quá đa dạng…

Nhìn nhận khách quan về điều kiện để phát triển ngành, trong báo cáo, Bộ Công Thương cũng thừa nhận, có sự xung đột giữa thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ ô tô và khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng. Một số chính sách, trong đó có chính sách thuế, hạn chế xe cá nhân có nhiều biến động trong thời gian qua, làm cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô gặp nhiều khó khăn, không khuyến khích các nhà đầu tư sản xuất. Ngoài ra, cũng vì thiếu sự nhất quán trong điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành, nên một số dự án trọng điểm theo quy hoạch như sản xuất động cơ, hộp số, cụm truyền động…  không thực hiện được. 

"Ở Việt Nam có nghịch lý là ngày càng có nhiều hạng mục thuế và chúng tôi không biết ngành ô tô tại đây sẽ đi về đâu...", đó là nhận xét của Phó Chủ tịch Ford Motor toàn cầu, ông Joe Hinrichs. Điều này cũng cho thấy sự bế tắc trong việc tìm đường để phát triển ngành công nghiệp ô tô, cho dù Quy hoạch đã được lập.