Nhìn về những "căn bệnh" kinh niên chưa có thuốc chữa của làng nhạc Việt, trong một cuộc hội thảo về văn học nghệ thuật mới đây, không ít nhà phê bình cho rằng: Căn cốt của tình trạng ấy nằm ở đạo đức của người làm nghề.
Lỗi từ sáng tác đến quảng bá
Nhìn về làng nhạc Việt, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu nhặt ra không biết bao nhiêu "sạn": Nào là nhạc nhái, nhạc rác, nhạc chế, nhạc thảm họa; nào là lời ca nhạt nhẽo, nhảm nhí; nào là hát nhép, ăn mặc phản cảm, phát ngôn hớ hênh… Đặc biệt, ở thời công nghệ thông tin này, "đạo" nhạc không chỉ dừng lại ở việc sao chép giai điệu, mà còn nhái hòa âm, đánh cắp nhạc nền có sẵn. Khái niệm "sáng tác" dễ bị bóp méo vì thường bị thay thế bằng sự lạm dụng kỹ thuật; khái niệm "bản quyền" thì mơ hồ và không thống nhất. Người biểu diễn cũng không đứng ngoài hiện tượng "nhái". Ca sĩ non nớt thường cố trở thành bản sao của thần tượng nào đó: nhái giọng ca, vũ điệu, phong cách, trang phục… Đây không phải là cách để trở thành nghệ sĩ thực thụ, nhưng lại vẫn là lựa chọn của các công chúa, hoàng tử V-pop trong một môi trường đang dung túng cho "nghệ thuật nhái".
Hồng Nhung, Mỹ Linh và Tùng Dương cùng hát trong một đêm nhạc của Dương Thụ được rất nhiều khán giả yêu thích.
|
Các loại nhạc với tên gọi rap, đường phố, underground đang có ảnh hưởng không nhỏ đến các nhạc sĩ trẻ trong mảng nhạc giải trí. "Cái gì cũng có hai mặt, bên cạnh những bài hát mang hơi thở mới lạ của thời đại, còn nảy sinh những tác phẩm lệch lạc, tục tĩu, trái với thuần phong mĩ tục Việt Nam và có thể gây tác hại đến sự hình thành nhân cách ở lứa tuổi chưa định hình nhân cách" - nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Châu thẳng thắn. Các chương trình biểu diễn thì quá lệ thuộc vào nhà tài trợ, chất lượng nghệ thuật vì thế thường lép vế trước mục tiêu giải trí và thương mại. Ở các sân chơi âm nhạc dành cho thiếu nhi, trẻ con "mất chất thơ" vì hát nhạc người lớn, được huấn luyện để gây ấn tượng bằng những phong cách có hơi hướng ngoại lai. Trong khi đó, tiếng nói của lý luận âm nhạc chuyên nghiệp lại chìm nghỉm, chưa kể đến nhiều lối quảng bá chạy theo thị hiếu mà thiếu những thẩm định chuẩn về âm nhạc. Nghĩa là "sạn" của nhạc Việt rải từ khâu sáng tác cho đến khâu trình diễn trên sân khấu.
Về quanh chữ “đạo”
Rất nhiều lần, giới làm nghề mang các hiện tượng này ra mổ xẻ tìm "lỗi do ai". Nhà quản lý nghệ thuật cũng không ít lần phải "vò đầu bứt tai" để cho ra đời các biện pháp chấn chỉnh làng biểu diễn, không ít lần mạnh tay với nghệ sĩ để… làm gương. Song xem ra, bệnh của nhạc Việt vẫn đầy rẫy, thậm chí còn thêm những "biến thái" mới khiến người yêu nhạc nản lòng.
Rất nhiều thành viên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đồng tình: Lỗi này đâu của riêng ai, vì hành vi "đạo" vẫn diễn ra hàng ngày - mà phân tích sâu xa, đây chính là căn cốt của những căn bệnh trầm kha trong làng biểu diễn. Hành vi ấy vô tình đã trở thành một thói quen từ khi trẻ ngồi trên ghế nhà trường: làm văn theo mẫu, làm bài theo công thức… thế nên khi ra đời cũng cứ hồn nhiên "đạo", nghe nhạc "chùa", sử dụng nhạc không tính đến bản quyền, "đạo" trong sáng tác và biểu diễn… Mà như các nhà phê bình phân tích, gốc gác của lỗi "đạo" ấy nằm ở vấn đề đạo đức. Mà một khi lỗi chẳng của riêng ai thì thành ra "huề", xã hội đành chấp nhận và quen dần với những vi phạm xung quanh chữ "đạo".
Vẫn biết giới nhạc không thiếu những người làm nghề có tâm, nhưng nỗ lực của một cá nhân không thể giải quyết được những vấn đề mang tính cộng đồng. Nghĩa là, khắc phục những lỗi xung quanh chữ "đạo" cần sự hợp lực từ nhiều phía - từ các chuyên ngành sáng tác, biểu diễn, lý luận trong âm nhạc, cho đến các ngành liên quan trong tổng thể văn hóa nghệ thuật, giáo dục đào tạo, xuất bản, truyền thông… Mà để tất cả có thể hòa nhịp đồng điệu như một dàn nhạc chuyên nghiệp, thì trước hết phải có được bàn tay điều phối của một nhạc trưởng chuyên nghiệp - đó là nhà quản lý.