Tôi bỗng biết họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân – nổi tiếng “Dân điện” như mọi người hay gọi, với cái thú hơi… dị là sưu tầm đồ điện, khoái vẽ dây điện quả thật không giống ai, lại còn làm triển lãm sắp đặt với đủ những cột điện, đèn đường, loa đại kềnh càng nữa, hóa ra còn là một nhà sưu tập cổ vật.
Một lần có cuộc trưng bày ở Hội quán cổ vật trên Hoàng Hoa Thám, anh Dân mang một bộ cả chục chiếc bình vôi đến bày choán một tủ kính. Gặp tôi, anh họa sĩ ấy cười hiền bày tỏ là họa sĩ, việc sưu tầm đem lại cho mình nhiều kiến thức về mỹ thuật truyền thống, các họa tiết, hoa văn, hình dáng và cách tạo tác các hiện vật. Anh ví dụ như mấy cái bình vôi, chưa bao quát hết nhưng ta cũng có thể thấy bình vôi được dùng qua nhiều thời kỳ, cùng chìa vôi, dao bổ cau, có cái đơn giản, mộc mạc của thường dân, có cái trang trí cầu kỳ là của gia đình quyền quý, giàu có…
Người sưu tầm cổ vật cũng thường không ham khoe nghề chơi của mình. Người ta cũng lặng lẽ, âm thầm, im ắng, khi nào có ai biết đến, chạm vào đúng… mạch, thì tràn đầy những thông tin, dữ liệu quanh dáng hình, màu vẻ, tên gọi, niên đại, những thăng trầm đã trải…, cùng những chia sẻ về nghề chơi, thú chơi và đam mê, nhiệt huyết của người chơi. Chơi cổ vật, ấy cũng là chơi sắc màu, ngắm điêu khắc, học lịch sử và xây dựng cho con người mình chất văn hóa. Các nhà sưu tập, nhóm sưu tập, và cả các câu lạc bộ, hội cổ vật nào đó ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác, thỉnh thoảng vẫn mở triển lãm. Anh Việt Phương - chủ Hội quán cổ vật thường tiếp khách đến cà phê bàn luận không hết chán về những món đồ. Anh dẫn tôi quanh gian phòng, chọn giới thiệu một số cổ vật độc đáo mà anh đang sở hữu hoặc nhà sưu tập nào đó gửi bày. Việt Phương giới thiệu với tôi chiếc lư hương thời Mạc được trang trí đắp nổi rồng, mây, hạc cùng những đường hoa văn cầu kỳ. Lư hương thêm “lung linh” và như có chuyển động trong mắt người xem khi nhìn phần chân là cốt đất, được nung nhẹ lửa; phần trên phủ men được nung kỹ hơn. Cả hai tạo thành một khối với những mảng khác biệt.Rồi những món đồ thú vị khác nào là chiếc ấm phượng thời Lê Trung Hưng – thế kỷ XVII, nào đĩa Long hàm Thọ đầu triều Nguyễn, thể hiện hình ảnh trung tâm có con rồng đang uốn mình, ngậm lấy chữ “Thọ”, là một tiêu biểu cho kiểu “đồ chàm”. Lại đến chiếc bình tỳ bà vào khoảng cuối Trần – đầu Lê hay tượng nghê đội đèn thời Lê Trung Hưng và những pho tượng gỗ nhỏ khác… Đằng sau những tác phẩm ấy luôn là những thông tin hấp dẫn pha chút bí ẩn vọng lại từ trăm năm xưa, cho người xem ngạc nhiên về tài khéo, sự công phu và tâm hồn đẹp đẽ, tinh tế của những người thợ tài hoa thuở nào. Còn nhà sưu tập luôn say sưa như chính là người vẽ nên chúng, tạo tác nên chúng.Qua anh Phương, tôi biết ông Nguyễn Trường ở Quán Thánh, nhà sưu tập cổ vật kỳ cựu, sở hữu rất nhiều lư hương và tranh của các tên tuổi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Rồi qua ông Trường tôi lại biết đến những người khác. Những người mà nhìn bề ngoài rất giản dị, bình thường, không có vẻ gì là “hầm hố”, nhưng những món đồ họ đang sở hữu cũng đáng để người ta “vênh váo” chút ít. Cổ vật không chỉ là món đồ, cổ vật chính là dòng đời chung, là những đoạn đời của họ vậy.