Các TP châu Âu vừa trải qua một cuộc bầu chọn để thay thế London trở thành nơi đặt trụ sở 2 cơ quan quan trọng của EU. Đó là Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) và Cơ quan Ngân hàng châu Âu (EBA). Tiêu chuẩn để đánh giá là các TP ứng cử viên phải hội đủ các điều kiện đảm bảo các cơ quan này hoạt động được ngay sau khi Anh chính thức rời EU, khả năng tiếp cận dễ dàng các địa điểm khác trong EU...
Amsterdam đã trở thành nơi đặt trụ sở EMA. |
London với vai trò là trung tâm tài chính của thế giới đã mang lại những lợi ích to lớn cho nước Anh trong nhiều năm. Vốn là nơi đặt trụ sở EBA, lĩnh vực dịch vụ tài chính đóng góp khoảng 12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Vương quốc Anh và đóng thuế cao hơn bất cứ lĩnh vực nào khác của nền kinh tế. Tuy nhiên, tác động từ quá trình Brexit sẽ khiến quốc gia này mất đi quyền tiếp cận thị trường EU rộng lớn với hơn 440 triệu dân, kèm theo đó là 1/3 số lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán London.
Vừa qua, sau các vòng bỏ phiếu kín giữa 27 thành viên EU, Amsterdam và Paris là 2 TP đã giành chiến thắng trong cuộc đua quyết liệt để được lựa chọn làm nơi đặt trụ sở của EMA và EBA thay cho London, sau khi nước này rời khỏi EU.
Việc trở thành trụ sở mới của các cơ quan quản lý EU được cho sẽ mang lại những lợi ích to lớn về cả chính trị và kinh tế cho các TP này. Tuy nhiên, sau khi nước Anh chính thức rời khỏi EU, hai cơ quan này sẽ buộc phải rời khỏi nước Anh và lập trụ sở tại một thành viên của EU. Với 900 nhân sự, EMA có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực quản lý dược phẩm trên toàn bộ các quốc gia thành viên EU và thu hút khoảng 36.000 lượt khách mỗi năm lưu trú qua đêm tại các khách sạn. Cuộc đua giành truyền đặt trụ sở EMA đã thu hút tới 19 TP tham gia cạnh tranh và cuối cùng, Thủ đô của Hà Lan đã giành được chiến thắng.
Trong khi đó, EBA với 170 nhân sự, là một trong 3 cơ quan quản lý quan trọng nhất châu Âu trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng – bảo hiểm. Việc đặt trụ sở EBA tại Paris sẽ tăng thêm quyền lực và sự thu hút cho kinh đô ánh sáng đối với các tập đoàn tài chính, ngân hàng, cũng như tạo ra nhiều việc làm mới, đồng thời tạo đà cho Thủ đô nước Pháp trong nỗ lực trở thành trung tâm tài chính lớn nhất châu Âu.
Những diễn biến mới đây đã khiến một số chính khách và chuyên gia kinh tế dự đoán London sẽ mất đi vị thế là trung tâm tài chính toàn cầu sau Brexit, đối lập với những ý kiến cho rằng nước Anh sẽ đạt được lợi ích về lâu dài khi có thể đặt ra những quy định riêng mà không bị ràng buộc bởi những quy tắc được EU áp dụng cho các quốc gia thành viên. Trong bối cảnh đàm phán giữa Anh và về Brexit đang có những diễn biến khó đoán định cùng với vị thế yếu đi của London, bố cục tài chính của châu Âu trong tương lại nhiều khả năng sẽ phát triển theo hướng đa dạng với nhiều trung tâm tài chính và lợi ích của sự thay đổi này trong tương lai vẫn sẽ là một dấu hỏi.