Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lọt vào ma trận... thực phẩm sạch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thông tin về thực phẩm bẩn bủa vây hàng ngày, không ít người tiêu dùng (NTD) sẵn sàng chi tiền triệu mua thực phẩm sạch. Song, những thực phẩm gắn mác “sạch” đó thực hư ra sao, NTD cũng khó biết được.

Bài 1:  Thực tế khác xa quảng cáo

Chưa bao giờ NTD tại TP Hồ Chí Minh lại mong muốn được sử dụng thực phẩm sạch như hiện nay. Nhưng hành trình để mua và sử dụng thực phẩm sạch vẫn còn quá gian nan, phần vì giá thực phẩm sạch quá cao, nhưng phần quan trọng hơn là chất lượng của những thực phẩm được cho là sạch đó không chắc đã sạch!

Sạch vì… bao bì

Chỉ cách đây hơn một tháng, chị Hoàng Mai (30 tuổi, ngụ ở quận Bình Thạnh) đi chợ gần nhà thường loay hoay rất lâu để chọn thực phẩm sạch. Nhưng nay hễ tới bất cứ hàng nào, chị cũng được tiểu thương giới thiệu hàng sạch hoặc gắn biển thực phẩm an toàn.
Một cửa hàng của Vissan bán thịt heo VietGap.     Ảnh: Uyên Phương
Một cửa hàng của Vissan bán thịt heo VietGap. Ảnh: Uyên Phương
Tới một sạp rau quen, chị Mai ngỡ ngàng vì mới cách đây mấy bữa, rau còn nằm ngổn ngang trên kệ sạp, ai muốn lựa sao tùy ý, nay được phân thành từng bó, gói trong bọc nhựa gọn gàng, trên sản phẩm in dòng chữ “rau an toàn” to tướng. Theo đó, giá rau cũng tăng theo, cụ thể: Rau muống từ 10.000đồng/nửa cân, nay chỉ 200gr được gói trong bọc nhựa có gắn mác “rau an toàn” cũng có giá 10.000 đồng. Tương tự, xà lách, đậu que, cà chua…, giá cũng tăng từ 20 - 30% vì được “gắn mác” an toàn! Tuy nhiên, lật tới lật lui, chị Mai chẳng thể tìm được thông tin nào khác trên bao bì ngoài chữ “rau an toàn”. Hỏi bà chủ: "Sao trên bao bì không có thông tin về nguồn gốc rau an toàn?", thì được giải đáp: “Rau tôi lấy ở chợ đầu mối rồi về phân ra cho vào bao bì tự in. Giờ hàng nào cũng làm vậy, mình mà không làm theo thì khách sẽ cho rằng rau mình bẩn, không mua!”.

Khảo sát nhiều chợ truyền thống và chợ lẻ tại TP như Bến Thành, Nguyễn Tri Phương, Bà Chiểu, Tân Định…, chúng tôi hoa mắt vì hầu như bất cứ thực phẩm nào ở chợ cũng được cho là sạch! Từ các loại rau củ, trái cây, thực phẩm tươi sống như thịt heo, bò, gà, cá… đến cả hàng phụ gia – gia vị cũng được quảng cáo được nuôi trồng, chế biến hoàn toàn tự nhiên. Bà Thìn (hàng thịt heo chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình) khẳng định: “Tôi bán thịt heo hơn 40 năm nay nên chỉ cần nhìn bằng mắt là biết ngay heo được nuôi bằng gì, giết mổ ra sao, thịt có đảm bảo vệ sinh an toàn hay không. Thịt heo ở đây nếu có “vấn đề” thì không tồn tại lâu và có nhiều khách như vậy”.

Theo Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, các đơn vị chức năng thuộc Sở đã tổ chức kiểm tra, đánh giá và cấp 1.163 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn TP. Tuy nhiên, trong 11 tháng năm 2015, các đơn vị trực thuộc Sở cũng đã xử phạt 2.697 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực ATTP, với số tiền hơn 6,12 tỷ đồng. Ông Dương Đức Trọng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP cho biết, tính đến ngày 15/11, Chi cục đã tổ chức lấy 61 mẫu rau ăn lá và 66 mẫu rau ăn củ, quả ở các chợ đầu mối nông sản Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức và một số hệ thống siêu thị trên địa bàn TP để gửi đi kiểm tra. Đến ngày 24/11, 97/127 mẫu có kết quả phân tích thì phát hiện 52/97 (chiếm khoảng 53%) mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
 Thịt heo sạch do người bán quảng cáo “miệng” chứ không được cơ quan nào chứng nhận nhưng vẫn hút người mua.
Thịt heo sạch do người bán quảng cáo “miệng” chứ không được cơ quan nào chứng nhận nhưng vẫn hút người mua.
Có nên tin ở… GAP?

Không tin thực phẩm nói miệng, NTD chuyển qua thực phẩm hữu cơ được bày bán trong các cửa hàng mát rượi, có quầy kệ trưng bày bắt mắt. Chị Lan – nhân viên bán thực phẩm hữu cơ trên đường Hai Bà Trưng (quận 1) cho biết: “Hiện nay, thực phẩm hữu cơ đang là nhóm thực phẩm được NTD rất ưa chuộng. Nguyên nhân bởi loại thực phẩm này không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hóa học và không chứa chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng. Trong khi thực phẩm đạt các tiêu chuẩn như VietGAP được sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ hóa học… nhưng có kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh ở mức cho phép”.

Cũng vì lẽ đó, các cửa hàng thực phẩm hữu cơ hiện nay mọc lên khá nhiều. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay chỉ có vài DN như Hoasua Foods, Organik, Organica… được chứng nhận quốc tế về canh tác hữu cơ. Việt Nam hiện chưa có văn bản pháp lý nào quy định về canh tác hữu cơ. Muốn có được những chứng nhận này, các DN phải gửi mẫu qua nước ngoài và hành trình theo đuổi các chứng nhận quốc tế này rất tốn kém.

Trong khi đó, thực phẩm theo tiêu chuẩn GAP (thực hành nông nghiệp tốt) như VietGAP, GlobalGAP, HACCP… đã được chứng nhận tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ tính riêng VietGAP, cả nước hiện có tới 20 tổ chức được Bộ NN&PTNT chỉ định chứng nhận. Thực phẩm “gắn” nhãn VietGAP cũng đang được dán tràn lan trong các cửa hàng, siêu thị... Vấn đề “nóng” nhất hiện nay là việc sử dụng chất cấm thuộc nhóm Beta - agonist trong chăn nuôi và cơ sở giết mổ heo, gà. Theo ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh: Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã phối hợp với dự án Lifsap (chăn nuôi heo VietGAP) kiểm tra, lấy tổng cộng 833 mẫu xét nghiệm thì phát hiện 98 mẫu có tồn dư chất cấm Beta - agonist; lấy 522 mẫu nước tiểu trên 122 lô heo tại các cơ sở giết mổ thuộc địa bàn quận 7, quận 8 và các huyện Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn... cũng phát hiện 97/522 mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính với chất Beta - agonist.

Giữa “ma trận” thực phẩm sạch, NTD tự bảo nhau "nói “không” với thực phẩm không có nguồn gốc, nhãn mác, nên tìm đến các thương hiệu có uy tín để “chọn mặt gửi sức khỏe” như hệ thống các siêu thị, cửa hàng của một số DN... Nhưng, liệu thực phẩm ở những nơi này có đảm bảo an toàn?

(Còn nữa)