Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lũ chưa qua lại lo bão đến

Bài, ảnh: Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những “bãi chiến trường” do trận mưa lũ lịch sử gây ra chưa kịp thu dọn để ổn định cuộc sống thì người dân miền Trung lại lo bão đến. Chưa khi nào thiên tai dồn dập đổ lên người dân miền Trung như năm nay.

Sáng 26/10, những điểm trường mầm non ở xã Triệu Độ (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) đón học sinh trở lại. Các em đến lớp nhưng gần như học chay với cô giáo vì đồ chơi, sách vở đã bị nước cuốn trôi hoặc gây hư hỏng hết sạch. Trong căn phòng nhỏ, hơn chục em nhỏ vui đùa trên tấm thảm xốp còn sót lại. Trên tường, vết bùn đất loang lổ mà cơn lũ đi qua còn đánh dấu. Phía trước sân trường, lớp bùn non dày quấn đặc chưa kịp dọn. Gối, chăn, đồ dùng dạy học của các cháu ngổn ngang quanh sân.
 Ngư dân Đà Nẵng neo đậu tàu thuyền để phòng, chống bão số 9.
Cô Trần Thị Thủy (giáo viên điểm trường Tân Liêm, xã Triệu Độ) chia sẻ: “Không có đồ dùng dạy học, chúng tôi chỉ có thể cho các cháu hát, múa, chơi trò chơi. Các cô vừa dạy vừa phân chia nhau tranh thủ dọn dẹp trường lớp để đảm bảo vệ sinh môi trường”.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết: Trận lũ lụt lịch sử vừa qua làm 308/400 trường trên địa bàn Quảng Trị bị ngập. Tổng thiệt hại từ sách vở, máy móc, cơ sở vật chất các trường tính đến sáng 26/10 là 98 tỷ đồng. Trong 26/10, Quảng Trị vẫn còn 14 trường đang bị cô lập (13 trường ở Hướng Hóa, 1 trường ở Triệu Phong) chưa thể tổ chức dạy học trở lại. “Hiện, Quảng Trị đang cần gấp nhất là sách vở, thiết bị dạy học, bàn ghế để các trường vùng lũ khắc phục khó khăn” - bà Hương cho hay.

Dự báo bão số 9 giật cấp 15 sẽ đổ bộ đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Các tỉnh, thành miền Trung đã khẩn trương triển khai phương án ứng phó với cơn bão cực mạnh này. Ghi nhận tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi cuối giờ chiều 26/10, ngư dân khẩn trương đưa tàu thuyền vào vùng trú ẩn an toàn. Nhiều hộ dân chằng chống nhà cửa chống bão. Ngư dân Phan Văn Thọ (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết: “Để chủ động ứng phó cơn bão mạnh số 9, chúng tôi đưa tàu thuyền vào âu thuyền Thọ Quang neo đậu kiên cố. Nhà cửa cũng đã chằng chống. Chúng tôi ở gần biển, nguy cơ thiệt hại rất lớn nên phải chuẩn bị ứng phó từ sớm”.