Ngày 23/9, tại Hà Nội, nhiều đại diện đến từ các tỉnh, các doanh nghiệp trên cả nước đã dự “Hội nghị tham gia ý kiến vào dự thảo luật Du lịch”. Đây là dự thảo lần thứ 5 sau khi Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ.
Để Luật Du lịch tiến tới hoàn thiện một cách tốt nhất, các đại biểu đã chia sẻ nhiều ý kiến, trong đó đặc biệt chú trọng đến Chương VI: Lữ hành, vận tải khách du lịch và hướng dẫn du lịch.
Hình minh họa. |
Ông Phạm Tiến Dũng - Giám đốc Công ty Golden Tour cho rằng, dự thảo Luật Du lịch đã thông thoáng hơn. Tuy nhiên, các quy định về du lịch lữ hành, về chất lượng du lịch lại bị bỏ ngỏ, đặc biệt là một số các điều kiện về doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất du lịch....
“Trình độ hướng dẫn viên du lịch đã bị giảm sút. Luật cũng không quy định rõ ràng về khả năng ngoại ngữ, tư cách đạo đức, hay bắt buộc phải tham gia các khoá bồi dưỡng về kiến thức du lịch, thẻ hướng dẫn viên để thời hạn dài quá. Ngoài ra, Luật cũng “bó khung” hướng dẫn viên Việt Nam, không tạo điều kiện cho hướng dẫn viên người nước ngoài, trong khi các tour du lịch đi nước ngoài khách du lịch lại hay yêu cầu hướng dẫn viên bản xứ..”, ông Dũng chia sẻ quan điểm.
Đại diện Golden Tour cũng cho rằng, Luật Du lịch cần chú trọng đến vai trò người lãnh đạo điều hành các công ty du lịch. “Người điều hành công ty du lịch cần phải có kinh nghiệm, kiến thức trong khi Luật Du lịch không đề cập đến vấn đề này”.
Và đặc biệt, theo đại diện này, Luật Du lịch cần phải xác định rõ, ngành du lịch được xác định là ngành mũi nhọn thì phải tính xem ngành đóng góp vào GDP của địa phương, của quốc gia như thế nào, để từ đó đầu tư ngược lại về du lịch, chứ không thể nói chung chung. Bởi khi đã đưa vào Luật thì bắt buộc hằng năm sẽ phải đặt ra bao nhiêu % ngân sách cho chương trình hành động của ngành du lịch.
Cùng quan điểm trên, bà Hà Thị Thiệp – Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Lào Cai cho rằng, về nội dung “bổ sung về cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch” mà dự thảo Luật Du lịch đưa ra khá khắt khe.
“Nếu quy định như vậy rất khó để tìm được hướng dẫn viên du lịch đủ tiêu chuẩn. Tại Lào Cai, đa số hướng dẫn viên du lịch là tự phát, vì khách nước ngoài rất thích sử dụng hướng dẫn viên bản địa. Hướng dẫn viên tại Lào Cai cũng rất am hiểu về mảnh đất này và nói Tiếng Anh khá tốt”, bà Hà Thị Thiệp cho hay.
Ngoài ra, bà Hà Thị Thiệp cho rằng, cần quy định thêm, hướng dẫn viên phải có đạo đức nghề nghiệp và không vi phạm phát luật.
“Khi họ dẫn đoàn khách du lịch nước ngoài nghĩa là họ đại diện cho gương mặt dân tộc. Vì thế, họ phải được trang bị về kiến thức và đạo đức để đảm bảo hình ảnh đẹp cho đất nước “, đại diện đến từ Lào Cai nói thêm.
Đóng góp cho dự thảo Luật Du lịch, một số đại diện đến từ các tỉnh cũng bổ sung các quy định “yêu cầu khách du lịch không vứt rác thải, cấm bán hàng rong, hướng dẫn viên du lịch phải có trình độ, kiến thức...”.
Một số ý kiến khác nhận định: Thủ tục đổi thẻ hướng dẫn viên có phần phức tạp hơn khi “yêu cầu giấy khám sức khoẻ, sơ yếu lý lịch...”. Ngoài ra, việc quản lý hướng dẫn viên nên để giao Hiệp hội Du lịch, thay vì do Sở Du lịch quản lý.
Trước nhiều ý kiến đặt ra, ông Huỳnh Vĩnh Ái – Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch – cho biết Bộ sẽ tổng hợp tất cả những ý kiến của của đại diện các tỉnh và trình Quốc hội trước kỳ họp tới.
Theo Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, vấn đề đặt ra ở đây là trách nhiệm quản lý nhà nước và Luật cần điều chỉnh vấn đề này.
Luật mới cần quy ai làm và chịu trách nhiệm. Cần phân cấp nhiệm vụ nào thuộc về Trung ương và nhiệm vụ nào của địa phương
“Chúng tôi đang cân nhắc có thể giao cho Hiệp hội Du lịch quản lý hướng dẫn viên được không? Đồng thời sẽ tăng thêm quyền hạn cho Hội”, Thứ trưởng chia sẻ quan điểm.
Ông Nguyễn Văn Tuyết, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - đại diện Cơ quan chủ trì, thẩm tra dự án luật – cho rằng, thời gian qua, Uỷ ban đã phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (cơ quan soạn thảo) khá chặt chẽ trong quá trình chuẩn bị dự luật. Tuy nhiên, Uỷ ban có trách nhiệm chỉ ra những vấn đề bất cập với hy vọng Luật Du lịch được sửa đổi một cách tốt nhất.
Theo ông Nguyễn Văn Tuyết, thời điểm này là vô cùng thuận lợi để sửa đổi Luật Du lịch, bởi Chính phủ vừa qua đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch ở Hội An, Ban Kinh tế TƯ cũng đã tổ chức hội thảo về việc phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời đưa ra các giải pháp phát triển...
“Vấn đề còn lại là Quốc hội và Chính phủ làm sao tiếp thu được ý kiến của Đại biểu Quốc hội, đại diện doanh nghiệp...để đưa ra các điều luật giúp cho phát triển du lịch tốt hơn”, ông Nguyễn Văn Tuyết nhấn mạnh.