Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân cần tránh chồng chéo, mâu thuẫn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều nay (19/6), thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hộ tịch, đa số các ĐB đồng tình với việc cần thiết phải có Luật Hộ tịch để triển khai thi hành Hiến pháp 2013 và hệ thống hóa các văn bản theo quy chuẩn phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Các ĐB đều cho rằng, hộ tịch là những sự kiện cơ bản xác định tình trạng nhân thân của một người từ khi sinh ra đến khi chết, liên quan trực tiếp đến quyền cơ bản của công dân. Làm tốt công tác hộ tịch là tiền đề quan trọng để bảo đảm cho người dân thực hiện quyền cơ bản và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời để các cơ quan nhà nước thực hiện công tác quản lý dân cư và hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Theo ĐB Huỳnh Văn Tính (tỉnh Tiền Giang), nhất trí việc ban hành Luật Hộ tịch, vì công tác đăng ký hộ tịch hiện nay còn nặng nề, nhất là về tính chất hành chính, thủ tục, trình độ chuyên môn của cán bộ làm công tác hộ tịch còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Vấn đề liên quan đến hộ tịch nằm rải rác ở nhiều văn bản luật. Do vậy, việc pháp điển hóa, hệ thống hóa thống nhất thành Luật hộ tịch là hợp lý trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách hành chính của nước ta hiện nay.

Góp ý về việc chưa thống nhất giữa hai Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân với Đề án 896, ĐB Tính cho biết, hai dự án luật này đều do Chính phủ trình nhưng mỗi bộ soạn thảo một dự án luật (Bộ Công an - Luật Căn cước công dân, Bộ Tư pháp - Luật Hộ tịch). Do đó, hai bộ này cần phối hợp thống nhất với nhau trong quá trình soạn thảo để tránh trùng lắp, chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau.

Cũng nói về sự thống nhất giữa Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch, ĐB Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) đề nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai Ban soạn thảo của dự án Luật Căn cước công dân và dự án Luật Hộ tịch để kết nối các nội dung liên quan, nhất là những nội dung có tính lệ thuộc nhau. Điều chỉnh hợp lí lộ trình thực hiện các quy định chủ yếu để luật thực sự có tính khả thi và sớm đi vào cuộc sống.

Về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, hiện nay đang tồn tại nhiều cơ sở dữ liệu điện tử liên quan đến quản lý dân cư do các bộ, ngành khác nhau thực hiện. Các ĐB đề nghị trước mắt nên xem xét việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử thực hiện tùy thuộc vào từng địa phương, tích hợp vào một hệ thống cơ sở dữ liệu chung, gọi là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 896 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, các ĐB cũng đề nghị trong giai đoạn hiện nay cần duy trì việc cấp Giấy khai sinh cho trẻ em và cấp Giấy chứng nhận kết hôn cho người dân để làm cơ sở cho các hoạt động quản lý của Nhà nước đối với công dân. “Tôi đồng tình với việc duy trì việc cấp Giấy khai sinh và Giấy chứng nhận hôn nhân quy định tại các Điều 16, Điều 36, Điều 38 của dự Luật. Vì hai loại giấy tờ này có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với cuộc đời của một công dân. Hai loại giấy tờ này hàm chứa rất nhiều thông tin cơ bản liên quan đến cuộc đời một con người cụ thể” - ĐB Trần Tiến Dũng (tỉnh Hà Tĩnh) nói.

Về hộ tịch có yếu người nước ngoài, theo ĐB Nguyễn Đức Chung (Giám đốc Công an TP Hà Nội), không nên quy định cho UBND cấp huyện đăng ký việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài mà nên để cấp tỉnh, thành phố. Bởi ở cấp này gắn với Sở Ngoại vụ và Sở Tư pháp, đồng thời việc xác minh nhân thân yếu tố người nước ngoài cũng giao cho công an cấp tỉnh, thành phố.

Liên quan đến cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh, điểm a, Khoản 1, Điều 14 dự thảo luật có nội dung đăng ký khai sinh có nội dung số định danh cá nhân. Trong dự thảo Luật Căn cước công dân lại quy định đối với người từ ngày 1/1/2016 UBND xã, phường, thị trấn cấp số định danh cá nhân cho người đó. Đề án 896 xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia là cơ sở nền tảng gốc để sau đó phân cấp phục vụ cho các ngành khác, phục vụ xây dựng một Chính phủ điện tử. Như vậy nếu xây dựng cấp số định danh cá nhân từ khi khai sinh, có nghĩa là chúng ta cũng phải tiến tới kéo đường truyền cáp quang cho đến hơn 10.000 xã và trang bị, thiết bị đầu, hệ thống máy chủ… “Liệu thời gian hơn một năm nữa chúng ta có triển khai kịp việc này hay không? Về con người, về cơ sở vật chất, chúng ta cần phải có tính toán, chúng ta có thể đảm đương được hay không...” - ĐB Chung nói.

Ngoài ra, các ĐB cũng cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh của Luật; quy định công chức tư pháp hộ tịch; lệ phí hộ tịch; sổ hộ tịch; cân nhắc thêm một số vấn đề cụ thể liên quan đến kỹ thuật lập pháp, như thuật ngữ, cách thể hiện câu chữ trong từng vấn đề…