Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Kỳ vọng về chính sách hỗ trợ

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV). Cộng đồng DN kỳ vọng những chính sách mới sẽ tác động, hỗ trợ nhiều hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh khi Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018.

Sớm hoàn thiện 4 Nghị định hướng dẫn

DNNVV hiện chiếm 97% tổng số DN, với nhiều đóng góp cho ngân sách, tạo công việc ổn định cho người lao động, nhưng thường được coi là yếu thế khi gặp rất nhiều khó khăn về vốn, đất đai, thuế…

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, Luật được Quốc hội thông qua là món quà quý dành cho cộng đồng DN nói chung, cộng đồng DNNVV nói riêng. Bởi, nét lớn của Luật xác định được nhóm đối tượng hỗ trợ. Thứ nhất là hỗ trợ những dịch vụ cơ bản mà DN nào cũng cần, nhất là hỗ trợ số đông. Thứ hai, các chương trình hỗ trợ cụ thể để đảm bảo trọng tâm, trọng điểm phù hợp từng thời kỳ. Thứ ba, hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành, tạo chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm.

Sản xuất bếp ăn công nghiệp tại Công ty CP Hà Yến (khu công nghiệp hỗ trợ Nam Từ Liêm). Ảnh: Khắc Kiên

Chia sẻ tại hội thảo mới đây về một số vấn đề liên quan đến Luật, ông Đông cho rằng, hiện nay, hộ kinh doanh cá thể chuyển lên thành DN được hưởng những hỗ trợ theo quy định tại Điều 16, Luật Hỗ trợ DNNVV. Trong đó có ưu đãi về mặt bằng sản xuất theo quy định, được giảm thuế, hỗ trợ về thủ tục, đào tạo, tư vấn miễn phí về nghiệp vụ thuế, kế toán trong thời hạn 3 năm, và rất nhiều quy định khác... Đồng thời cho rằng, trong Luật cũng quy định rõ các cấp chính quyền địa phương phải tạo điều kiện cho DNNVV được thuê đất để sản xuất, tránh tình trạng DN đã ít vốn lại phải đi vay vốn để GPMB để lấy đất, hạn chế cơ hội gia nhập thị trường của DN… Hay tại khoản 2, Điều 13, các DN bán buôn, bán lẻ phân phối hàng Việt Nam của ít nhất 80% DNNVV tham gia chuỗi cung ứng, khi chứng minh được với cơ quan thuế đều nhận được hỗ trợ mở rộng thị trường. Đây là theo phương pháp hậu kiểm thực tế để tránh cơ chế xin - cho, sau đó cơ quan quản lý sẽ có những hướng dẫn cụ thể hơn.

Được biết, Bộ KH&ĐT hiện đang khẩn trương hoàn thiện những Nghị định hướng dẫn Luật. Theo quy định tại Luật này sẽ có 4 Nghị định: Nghị định Hướng dẫn một số điều Luật Hỗ trợ DNNVV; Hướng dẫn về Đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; Hướng dẫn về Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV; Hướng dẫn về Quỹ phát triển DNNVV.

Đơn giản thủ tục vay vốn

Theo ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội, hiện đối tượng DN này đang gặp rất nhiều khó khăn về mặt bằng, KHCN, nguồn nhân lực, thị trường…, đặc biệt là tiếp cận nguồn vốn: “Hiện, quy định của ngân hàng là rất chặt chẽ và thường DN buộc phải đi theo, điều chỉnh đạt chuẩn quy định của ngân hàng mới có thể tiếp cận”. Do đó, ông Mạc Quốc Anh nêu ý kiến, các ngân hàng nên xem xét lại việc này, bởi nếu Luật DNNVV buộc ngân hàng đưa ra chuẩn tín dụng mới cho nhóm này thì rất khó.

Về vấn đề vốn, ông Nguyễn Thành Long - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho rằng, vay vốn và trả nợ đúng hạn là tiêu chí quan trọng nhất trong việc tiếp cận sản phẩm vay của bất kỳ ngân hàng nào. Do đó, trong quá trình vay vốn, VPBank khuyến khích các DN trả nợ đúng theo thời hạn ghi trên hợp đồng tín dụng. Trường hợp DN có khó khăn tạm thời mà trễ hạn trả nợ dưới 10 ngày thì vẫn xem xét cho vay. Đồng thời khẳng định, VPBank được Bộ KH&ĐT chọn ủy thác Quỹ hỗ trợ DNNVV (cùng 3 ngân hàng khác), trong đó một trong những điều kiện được nhận hỗ trợ là DN lĩnh vực chế biến nông - lâm - thủy sản; DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; môi trường xử lý nước sạch; công nghiệp chế biến, chế tạo… với nhiều thủ tục đã đơn giản hơn giúp DNNVV tiệm cận nguồn vốn. Ngoài ra, VPBank có các sản phẩm tín chấp dành cho DN siêu nhỏ, DNNVV không cần tài sản đảm bảo chỉ cần thành lập được một năm và bắt đầu có đầu ra, thị trường, chứng tỏ DN đang hoạt động kinh doanh ổn định. Theo đó, DN chỉ cần chứng minh với ngân hàng tình hình kinh doanh ổn định, thể hiện bằng các giấy tờ như đơn hàng, doanh số, tình hình thanh toán hợp đồng... là đã đủ điều kiện cần để vay tín chấp từ VPBank.

Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời là hành lang pháp lý quan trọng để đưa vốn tới khu vực DNNVV. Và đại diện nhiều ngân hàng khẳng định, sẽ không bỏ qua cơ hội tiếp cận với đối tượng khách hàng đầy tiềm năng này.

Giám đốc Công ty ACB Nhật Bản Phạm Đức Kiên: Tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi

Luật sẽ tạo ra môi trường kinh tế đầu tư lành mạnh hơn và theo cơ chế thị trường, cũng như tạo sự công bằng giữa DN Nhà nước và DNNVV, nhất là với DN tư nhân. Bên cạnh đó, trao thêm quyền tự quyết cho DN. Cái gì tư nhân làm được thì Nhà nước không cần làm nữa để không gây cạnh tranh trực tiếp, lợi ích nhóm cho khối Nhà nước. Sau nữa, phải làm sao để Nhà nước coi DN là đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng bị quản lý sẽ giúp sự khác biệt giữa DN Nhà nước và DN tư nhân giảm bớt đi nhiều, tính cạnh tranh sẽ lành mạnh hơn.


Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Bigsun Việt Nam Dương Văn Dân: Mong được hỗ trợ về nguồn lực

Tôi mong khi các Nghị định ra đời sẽ hướng giảm thuế thu nhập cho DNNVV. Điều này có tác dụng rất lớn giúp DN làm ăn đàng hoàng, bài bản ngay từ đầu, không phải chi trong, chi ngoài. Bên cạnh đó, DNNVV hiện nay là những DN có quy mô nhỏ, tài sản nhỏ, không có tài sản thế chấp..., năng lực cạnh tranh còn thấp, công nghệ lạc hậu, nên rất cần được hỗ trợ về nguồn lực, nguồn vốn, về cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho DN phát triển.