- Thiếu diện tích căn hộ chỉ là một trong những bức xúc của câu chuyện “hậu dự án” dẫn đến hành vi khiếu nại, tố cáo chủ đầu tư của khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay, trong hợp đồng mua bán bao giờ cũng thể hiện “diện tích căn hộ tạm tính” và thể hiện % sai số được chấp nhận. Vì vậy, nếu diện tích căn hộ thiếu vượt quá % sai số ấy thì khách hàng có quyền yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh giá căn hộ theo diện tích thực tế. Song, kể cả vượt, chủ đầu tư sai thì câu chuyện này cũng không dễ dàng được giải quyết nhanh và thấu đáo như mong đợi.
Vậy theo ông, diện tích thực của căn hộ sai so với con số ở hợp đồng mua bán là do quá trình thi công hay sai ngay trên đồ án quy hoạch căn hộ của dự án?
- Tôi cho rằng, sai do quá trình thi công thôi, còn sai ngay trên đồ án quy hoạch căn hộ thì dự án làm sao được cấp phép xây dựng. Thực tế, có dự án chủ đầu tư cố tình thi công vượt tầng, tăng số lượng căn hộ so với đồ án quy hoạch ban đầu được cấp phép và có thể có sự điều chỉnh đồ án thiết kế căn hộ trong quá trình thi công nên dẫn tới sai số về diện tích căn hộ. Song cũng có sai số không phải do chủ đầu tư cố tình mà trong quá trình thi công do yếu tố kỹ thuật, nguyên vật liệu... tạo nên. Do đó, cần có sự trao đổi cởi mở và thiện chí của chủ đầu tư và khách hàng để sự việc không bị đẩy đi quá xa.
Hiện không ít dự án đang hoặc chuẩn bị đến giai đoạn bàn giao nhà. Đây là thời điểm được cho là thường xảy ra những tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư. Ông có lời khuyên nào dành cho khách hàng hay chủ đầu tư để tránh hoặc giảm bớt những tranh chấp trong trạng huống này không?
- Thực ra, nếu chủ đầu tư làm tốt, sản phẩm không có lỗi, họ không ngại những phản ứng của khách hàng. Vấn đề mấu chốt lại chính là lỗi đến mức độ nào và cách giải quyết giữa hai bên ra sao. Ví như việc thiếu diện tích căn hộ quá phần trăm thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, có những đơn vị đã nhanh chóng giải quyết ngay cho cư dân, bức xúc được hóa giải ngay; có dự án, chủ đầu tư lý luận lòng vòng khiến tranh chấp kéo dài, vừa ảnh hưởng đến uy tín của DN, vừa khiến khách hàng hiểu sai và thiếu thiện chí với DN.
Vì vậy, để giảm thiểu tối đa các tranh chấp phát sinh trong quá trình bàn giao, cả chủ đầu tư và khách hàng cần phải nắm rõ quy trình bàn giao. Chủ đầu tư tiến hành thông báo, giải đáp thắc mắc cho khách hàng về tình trạng căn hộ, các trang thiết bị đã lắp đặt theo danh mục đã hoàn tất. Đối với khách hàng từ chối tiếp nhận căn hộ thì phải ghi ý kiến, yêu cầu của khách hàng, hẹn thông báo cho họ tình trạng xử lý và thời gian hoàn tất sửa chữa và mời họ tới kiểm tra, tiếp nhận bàn giao. Tất cả những yêu cầu từ khách hàng hay chủ đầu tư tất nhiên đều phải dựa trên nguyên tắc thiện chí, đúng hợp đồng và quan trọng là tìm được tiếng nói chung thì tranh chấp phát sinh mới được giải quyết.
Xin cảm ơn ông!