Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lúng túng khắc phục cháy chợ Sóc Sơn

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần một năm sau vụ cháy chợ tại huyện Sóc Sơn, việc ổn định buôn bán, kinh doanh cho hàng trăm hộ tiểu thương vẫn chưa thể hoàn tất. Các hộ không hợp tác, trong khi chính quyền địa phương loay hoay gỡ khó.

Chợ tiền tỷ bị bỏ không
Sau khi khu chợ chính bị cháy vào tháng 6/2018, UBND huyện Sóc Sơn đã huy động nguồn lực, đầu tư trên 3 tỷ đồng xây dựng chợ tạm rộng 5.807m2. Nói là tạm nhưng khu chợ được thiết kế xây dựng đạt tiêu chuẩn chợ nông thôn với đầy đủ các hạng mục cần thiết như: Sạp hàng, nhà vệ sinh, khu vực trông giữ xe, hệ thống phòng cháy chữa cháy… Đồng thời, bảo đảm đáp ứng nhu cầu buôn bán, kinh doanh cho toàn bộ 196 hộ tiểu thương bị ảnh hưởng từ vụ cháy.
Khu chợ tạm được đầu tư tiền tỷ nhưng vắng bóng tiểu thương. Ảnh: Lâm Nguyễn
Được đầu tư tiền tỷ, song kể từ khi hoàn thành tháng 11/2018, sau rất nhiều cuộc vận động, tuyên truyền, đến nay chỉ có… 29/196 hộ đăng ký vào buôn bán, kinh doanh tại chợ tạm. Thực tế ghi nhận của phóng viên mới đây cho thấy, chỉ có 4 hộ tiểu thương đang buôn bán, kinh doanh tại khu vực chợ tạm.
Trong khi đó, khu vực nền chợ cũ bị cháy lại đang bị các hộ tiểu thương tự ý dựng ki-ốt, sạp hàng buôn bán, kinh doanh hơn nửa năm nay. Các hộ mưu sinh trong không gian lộn xộn, lụp xụp và tối tăm do trước đó Công ty Điện lực huyện Sóc Sơn đã cắt điện toàn khu. Những ngày đầu tháng 5/2019, khi trời mưa lớn kéo dài, nền chợ ẩm ướt khiến việc đi lại hết sức khó khăn, bất tiện.
Khó xã hội hóa xây dựng chợ mới
Theo đại diện UBND huyện Sóc Sơn, kể từ sau khi vụ cháy xảy ra, địa phương đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện với các hộ tiểu thương. Tại cuộc đối thoại gần nhất vào cuối năm 2018, các hộ đã đưa ra kiến nghị được buôn bán, kinh doanh tại vị trí nền chợ cũ bị cháy tới Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.
Sau Tết, các hộ sẽ chuyển sang chợ tạm mới xây dựng và bàn giao lại mặt bằng cho huyện. Tuy nhiên đến nay, các hộ tiểu thương lại đồng loạt… không chuyển sang chợ tạm (!?)
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh cho biết, hiện, địa phương đang xin ý kiến TP về chủ trương xây dựng chợ mới. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là theo quy định của Nhà nước, phải ưu tiên phương án xã hội hóa. Đây là vấn đề rất khó khăn, bởi kinh phí đầu tư chợ mới dự kiến lên tới hơn 18 tỷ đồng.
Không chỉ có suất đầu tư rất lớn, theo bà Bình Anh, bất cứ DN nào bỏ vốn đầu tư cũng sẽ có yêu cầu về mặt thiết kế, cách thức quản lý, khai thác chợ. Điều này có thể làm nảy sinh sự không thống nhất giữa chủ đầu tư và các hộ tiểu thương, khiến việc đưa chợ mới vào vận hành gặp khó khăn.
Bà Bình Anh cho biết thêm, huyện Sóc Sơn đang đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để xây dựng chợ mới theo phương thức xử lý cấp bách, tuy nhiên, vẫn đang phải… chờ TP quyết định. Sau khi có ý kiến của TP, huyện sẽ tổ chức họp, thông tin về chủ trương đầu tư chợ mới cũng như những chính sách hỗ trợ dành cho các hộ tiểu thương. Điều này sẽ giúp các hộ tiểu thương an tâm chuyển sang chợ tạm, trao trả mặt bằng chợ cũ bị cháy để phục vụ công tác xây dựng chợ mới, tiến tới ổn định việc buôn bán, kinh doanh.

Liên quan tới xử lý trách nhiệm cá nhân để xảy ra vụ cháy chợ vào tháng 6/2018, đến nay, UBND huyện Sóc Sơn vẫn đang tạm đình chỉ công tác đối với ông Ngô Văn Giang – Trưởng ban quản lý chợ và ông Phạm Đức Nam – Phó trưởng ban. Theo đó, hai cá nhân trên tiếp tục bị đình chỉ công tác cho tới khi có kết luận nguyên nhân vụ cháy từ cơ quan điều tra.