Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lúng túng trước biến động tỷ giá

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bên cạnh việc sử dụng nguồn vốn ngoại tệ, giá cả đầu vào tăng theo tỷ giá khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng trong kinh doanh.

KTĐT - Bên cạnh việc sử dụng nguồn vốn ngoại tệ, giá cả đầu vào tăng theo tỷ giá khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng trong kinh doanh.

Từ cuối tháng 9 cho đến nay, giá USD trên thị trường tự do liên tục leo thang. Ngân hàng Nhà nước đã chính thức vào cuộc can thiệp bằng việc bán ra ngoại tệ, cũng như tăng các lãi suất chủ chốt gián tiếp hỗ trợ giá trị cho VND…

Nhưng, sau phản ứng sụt giảm nhất thời, giá USD trên thị trường tự do lại tăng mạnh trở lại, vượt mốc 21.000 VND.

Đi cùng với diễn biến trên, nhiều doanh nghiệp bày tỏ quan ngại vì “mất phương hướng” và hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng.

Đến túi nylon cũng đòi tăng giá!

Thông thường, tỷ giá tăng mạnh, các nhà xuất khẩu hưởng lợi từ giá trị nguồn thu ngoại tệ, từ khả năng cạnh tranh giá trên thị trường… Thế nhưng, những ngày qua, chính một số doanh nghiệp xuất khẩu lại đang đau đầu.

“Về lý thuyết, sự tăng giá của USD so với VND sẽ là điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu. Trên thực tế điều này chỉ đúng khi doanh nghiệp được phép nắm giữ một phần ngoại tệ thu về do hoạt động xuất khẩu. Còn nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì cách điều hành như hiện nay thì doanh nghiệp xuất khẩu cũng gặp không ít khó khăn do sự biến động của tỷ giá”, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nói.

Hiện tại, với quy định áp tối đa lãi suất tiền gửi USD 1%/năm, khi thu ngoại tệ về, nhiều nhà xuất khẩu buộc phải tính đến việc bán lại cho ngân hàng, bởi nếu gửi thì lãi suất quá thấp.

Tuy nhiên, theo phân tích của ông Quyền, ngoại tệ doanh nghiệp có được từ hoạt động xuất khẩu được bán cho ngân hàng theo tỷ giá quy định, nhưng khi muốn có ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu họ lại phải mua, vay ở các ngân hàng thương mại với tỷ giá khác. Thậm chí, có những thời điểm căng thẳng không mua được, không vay được từ ngân hàng, doanh nghiệp phải chấp nhận mua USD trên thị trường tự do, với mức giá chênh lệch rất nhiều so với giá bán.

Ở một thực tế khác, DHA Group là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hàng may mặc sang thị trường Mỹ, thay vì đón nhận chuyển động tích cực đối với doanh nghiệp như đề cập ở trên, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Đô lại tỏ ra lo ngại khi trao đổi với phóng viên về diễn biến của tỷ giá thời gian qua.

Là nhà xuất khẩu, một tỷ trọng đáng kể đầu vào nguyên liệu là nhập khẩu, nên cũng không “ngoài vùng phủ sóng” của biến động tỷ giá. Nhưng điều mà ông Đô đang tính toán là sẽ phải xử lý như thế nào khi chi phí các đầu vào khác cũng đồng loạt tăng.

Theo chủ doanh nghiệp này, nhiều nhà cung cấp nguyên liệu cho công ty đều đã đề nghị tăng giá. Vải, chỉ, nguyên liệu chính tăng giá đã đành; đến cả các sản phẩm đầu vào như bìa các tông, túi nylon… cũng lấy lý do tỷ giá USD/VND tăng mạnh để nâng giá. Giá các nguyên liệu đầu vào theo đề nghị thêm từ 15% - 20% chỉ sau một thời gian ngắn.

Doanh nghiệp bị động

Khoảng hai năm trở lại đây, tỷ giá cứ mỗi năm lại vài lần biến động mạnh. Và hiện nay là sự leo thang chóng mặt trong thời gian ngắn, ít thấy trước đó. Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp, thông báo bán ra ngoại tệ, nhưng giá USD trên thị trường tự do vẫn chưa chịu hạ nhiệt.

“Một trong những động thái của Chính phủ là tung nguồn ngoại tệ dự trữ ra để điều tiết thị trường, đó cũng là một giải pháp tình thế. Theo tôi, cái lớn hơn phải giải quyết là chính sách điều hành cần làm sao để có tính chất lâu dài, bền vững”, ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội, Tổng giám đốc Tập đoàn Đầu tư phát triển Hà Nội, bình luận.

Cũng theo ông Sơn, chính sách tiền tệ mà không có sự dài hạn thì chiến lược sử dụng vốn của doanh nghiệp dễ rơi vào cảnh bị động. Bởi khi doanh nghiệp vay vốn hoặc đầu tư cho một quy trình sản xuất, yêu cầu là phải tính cho trung hạn và dài hạn; khi có xáo trộn lớn của thị trường và chính sách tác động ngắn hạn thì không kịp điều chỉnh theo.

Ông Sơn nói thêm: “Giải pháp thì Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng đã đưa ra, nhưng theo tôi được biết hình như các cơ quan này cũng chưa thống nhất với nhau về các giải pháp. Về phía cá nhân, tôi nghĩ rằng muốn giải pháp gì thì giải pháp nhưng phải đảm bảo sự ổn định, cái đấy là mục tiêu quan trọng nhất. Khi có sự ổn định thì nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp sẽ có tính toán phát triển cho phù hợp. Cái đó tôi cho là quan trọng nhất. Doanh nghiệp cũng phải chia sẻ với các biện pháp của Chính phủ”.