Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lưỡng lự mua "đô la": Tránh già néo đứt dây

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Công bằng mà nói, Ngân hàng Nhà nước đã đi hơn nửa chặng đường thành công của điều hành tỷ giá khi mà trước đó, cơ quan này tiến hành một loạt giải pháp khá đồng bộ.

KTĐT - Công bằng mà nói, Ngân hàng Nhà nước đã đi hơn nửa chặng đường thành công của điều hành tỷ giá khi mà trước đó, cơ quan này tiến hành một loạt giải pháp khá đồng bộ.

Mặc dù ngày 29/4, Ngân hàng Nhà nước tăng giá mua một USD thêm 214 VND so với hôm 28/4, nhưng theo nhiều ý kiến từ giới phân tích, việc Ngân hàng Nhà nước ép giá thị trường ở mức thấp quá lâu có thể dẫn đến hệ quả tiêu cực, như làm cho thanh khoản hệ thống yếu thêm và kích hoạt nhập siêu trở lại.

Theo dõi hai kênh tỷ giá của thị trường (Vietcombank) và tỷ giá Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, từ đầu tháng 4/2011 đến nay, khoảng cách giữa kẻ bán và người mua USD đã chênh lệch quá xa.

Cụ thể, ngày 1/4, Vietcombank bán 20.915 VND/USD thì giá mua của Ngân hàng Nhà nước là 20.501 VND/USD, thấp hơn tới 414 VND/USD.

Trong 16 ngày liền có cập nhật tỷ giá mua bán (từ 1/4 - 22/4), nếu Vietcombank để giá bán từ 20.915 VND lên tới 20.940 VND/USD thì giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước thấp nhất là 20.496 VND và cao nhất là 20.526 VND/USD.

Chỉ đến khi, có vẻ như quá ế ẩm, trong suốt ngày 25 - 27 - 28 - 29/4, Vietcombank để giá bán quá thấp, lần lượt là 20.770 - 20.760 - 20.590 - 20.595 VND/USD thì giá mua của Ngân hàng Nhà nước vẫn liên tục “lẹt đẹt” 20.501 - 20.491 - 20.486 VND/USD và “bừng tỉnh” mua vào với giá 20.700 VND/USD vào ngày 29/4.

Tiếp đó, ngày 2/5, giá bán Vietcombank nhích lên 20.720 VND/USD nhưng giá mua của Ngân hàng Nhà nước vẫn... chưa cập nhật!

Công bằng mà nói, Ngân hàng Nhà nước đã đi hơn nửa chặng đường thành công của điều hành tỷ giá khi mà trước đó, cơ quan này tiến hành một loạt giải pháp khá đồng bộ.

Một là, Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tiền tệ, rút bớt VND khỏi lưu thông, làm cho chi phí nắm giữ ngoại tệ cao hơn so với nắm giữ VND. Cụ thể, nếu trước đây, nắm giữ ngoại tệ thì chênh lệch lãi suất chỉ 6%/năm và kỳ vọng tỷ giá tăng 10%/năm, dẫn đến tâm lý thích nắm giữ ngoại tệ thì nay, Ngân hàng Nhà nước đã đẩy chênh lệch lãi suất “đô - đồng” về lý thuyết là 12%, còn thực tế lên tới 15%. Tất nhiên, điều này kích thích người dân nắm giữ VND.

Hai là, cơ quan này cũng khống chế trần lãi suất tiền gửi USD, hạn chế vay mượn ngoại tệ, làm cho người nắm giữ USD bị giảm lợi nhuận nên chuyển sang nắm giữ VND.

Nhưng có phải tỷ giá cứ giảm thật mạnh là tốt?

Nhiều ngày nay, thị trường diễn ra xu hướng trái ngược: mặc cho sự nhiệt tình của bên bán bằng cách liên tục hạ giá bán nhưng bên mua cứ thờ ơ, để giá mua thấp hơn quá nhiều. Trong điều kiện Ngân hàng Nhà nước vừa đóng vai trò “vừa là người mua cuối cùng, vừa là người mua duy nhất” như hiện nay đã khiến cho tỷ giá rớt sâu trong một thời gian dài. Cán bộ đầu tư một ngân hàng nhận xét: “Mức giá này đã quá tiêu cực! Chúng không phản ánh đúng cung cầu thị trường”.

Vì thế, câu hỏi “vì sao Ngân hàng Nhà nước ép tỷ giá quá sâu và lâu như vậy” được nhắc đến nhiều, nhưng đa phần đều cho rằng “rất khó hiểu”. Một số khác lý giải, có thể trong bối cảnh lạm phát đang tăng cao (CPI tháng 4/2011 tăng 3,32% so với tháng trước) nên nhà điều hành không muốn tung VND ra để mua USD vào lúc này.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã thắt chặt tiền tệ nhưng lạm phát vẫn tăng. Bởi lẽ, không ai cản được giá xăng dầu và nguyên liệu nhập khẩu đang tăng bên cạnh sự dửng dưng của chính sách tài khóa! Hơn nữa, nếu Ngân hàng Nhà nước tung VND ra mua USD vào thì cơ quan này có thừa nghiệp vụ để hút tiền về thông qua một số giải pháp như mua bán ngoại tệ hoán đổi kỳ hạn, tức “mua ngày hôm nay và bán luôn trong tương lai” tương tự nghiệp vụ OMO hiện nay.

Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước vẫn để tỷ giá rớt sâu thì sẽ để lại những hệ quả gì?

Một chuyên gia tài chính phân tích, trước hết, tỷ giá giảm như hiện tại không mang tính bền vững, bởi trước hết, nguồn cung năm nay so với năm ngoái chưa có gì thay đổi. Năm ngoái còn có xuất khẩu vàng khoảng 3 tỷ USD, còn năm nay lợi thế này không còn. Vì thế, nguồn cung hiện nay là do Ngân hàng Nhà nước “khơi” ra từ việc giảm tâm lý găm giữ chứ không phải được bổ sung từ bên ngoài.

Thứ hai, khi chênh lệch lãi suất “đô - đồng” quá rộng, tỷ giá rớt sâu thêm, phía nắm giữ ngoại tệ sẽ “xả hàng” và nhập khẩu bị kích hoạt, làm trầm trọng thêm nhập siêu. Theo Tổng cục Thống kê, nhập siêu bốn tháng đầu năm là 4,9 tỷ USD, bằng 18,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tính riêng tháng 4/2011, nhập siêu ước tính 1,4 tỷ USD, bằng 19,2% kim ngạch xuất khẩu là một mối lo lớn. Và khi nhập siêu càng lớn, trong điều kiện trước đó Ngân hàng Nhà nước không mua ngoại tệ vào, đến lúc dự trữ ngoại hối bị nhập siêu tàn phá, căng thẳng tỷ giá bùng phát trở lại thì cơ quan này sẽ thiếu công cụ để chống đỡ.

Chưa kể, về lý thuyết, nếu VND tăng giá, kể cả tăng giá giả tạo như hiện nay thì sức cạnh tranh hàng xuất khẩu sẽ giảm, kim ngạch xuất khẩu bị giảm, đó là điều không mong muốn khi mà xuất khẩu được cho là một trong những trụ cột chủ lực của GDP.

Thứ ba, với việc để lãi suất VND tăng quá cao so với lãi suất USD, Ngân hàng Nhà nước đã thành công ở một chừng mực nào đó trong việc giảm tâm lý găm giữ USD, nhưng ở phía bên kia, DN đang rên xiết với lãi vay cao ngất ngưởng. Và đó là một bất cập mà Ngân hàng Nhà nước không nên để đến mức thái quá.

Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước cần lường trước: hiện nay, khi lạm phát đang cao, chênh lệch lãi suất đang lớn nên nhiều người muốn giữ VND nhưng khi lạm phát thuyên giảm, lãi suất VND giảm, khoảng chênh lệch lãi suất “đô - đồng” bị thu hẹp, sẽ xuất hiện một thái cực khác: nắm giữ USD.

Vì thế trong lúc này, có lẽ, người làm chính sách cần quản lý đúng liều lượng, đưa VND ra, mua ngoại tệ vào; vừa giúp thanh khoản thị trường, vừa tăng dự trữ ngoại hối; tránh cách làm giật cục như ngày 29/4, Ngân hàng Nhà nước tăng giá mua tới 214 VND/USD, sau một thời gian dài "bỏ mặc".