Theo một nghiên cứu mới mang tên "Cưỡi sóng tăng trưởng: Tài sản toàn cầu 2014" của Tập đoàn tư vấn Boston (BCG thuộc Mỹ), tích lũy tài sản tư nhân tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, không bao gồm Nhật Bản, sẽ vượt qua châu Âu trong năm nay và vượt Mỹ vào năm 2018.
Nghiên cứu cho thấy lượng tài sản tài chính tư nhân trên toàn thế giới trong năm qua đã tăng 14,6%, lên 152.000 tỷ USD nhờ sự phục hồi của các thị trường chứng khoán, trong đó riêng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng 30,5%. Số hộ triệu phú trên thế giới tăng thêm 2,6 triệu, lên tới 16,3 triệu hộ.
Mặc dù gần một nửa số hộ triệu phú ở Mỹ song Trung Quốc mới là quốc gia có mức tăng cao nhất, với 2,4 triệu gia đình được xếp vào danh sách triệu phú trong năm 2013.
Quốc gia có mật độ người giàu cao nhất là Qatar với tỷ lệ 175/1000 hộ, vị trí thứ hai và thứ ba thuộc về Thụy Sĩ và Singapore với tỷ lệ lần lượt là 127/1.000 và 100/1.000. Hong Kong là nơi có tỷ lệ tỷ phú cao nhất với 15,3/1 triệu hộ.
Theo nghiên cứu trên, trong năm nay, Mỹ vẫn là nơi tập trung lớn nhất lượng tài sản tài chính tư nhân (gồm tiền mặt, chứng khoán và tiền gửi ngân hàng), vị trí thứ hai thuộc về khu vực Tây Âu. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo đến cuối năm nay, lượng tài sản tư nhân ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản) sẽ vượt châu Âu, có thể đạt mức 37.900 tỷ USD.
Dự kiến, vào năm 2018, lượng tài sản này ở châu Á sẽ là 61.000 tỷ USD, cao hơn so với mức dự kiến 59.100 tỷ USD đối với toàn khu vực Bắc Mỹ và 44.600 tỷ USD đối với châu Âu.
Báo cáo nhận định xu hướng tài sản đang dịch chuyển từ khu vực kinh tế cũ (châu Âu và Mỹ) sang các nền kinh tế mới nổi là kết quả của việc tăng trưởng kinh tế thế giới ở khu vực mới hoạt động khả quan hơn khu vực kinh tế cũ trong thời gian qua.
Tuy nhiên, điều này cũng sẽ tạo ra một thách thức mới đó là cuộc canh tranh gay gắt giữa khu vực mới và cũ khi một bên tìm cách ngăn chặn tình trạng chảy máu tài sản tài chính trong khi một bên tìm cách thu hút các luồng tài sản này.
Kinhtedothi - Ảnh minh họa. (Nguồn: Bloomberg) |