Doanh nghiệp được tạo thuận lợi hơn
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, điểm mới của Dự án Luật chính là việc yêu cầu DN phải công khai hóa các thông tin về hoạt động quản trị DN theo thông lệ quốc tế. Cùng với đó, Dự án Luật cũng sửa đổi quy định về "thành lập DN và đăng ký DN". Trong đó, tách biệt việc đăng ký thành lập DN và việc xin giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo hướng bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập DN.
Nhiều thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi thẩm tra Dự án Luật bày tỏ quan điểm đồng tình với quy định mới này và cho rằng: Việc kết hợp thủ tục thành lập DN với thủ tục về thuế, đăng ký lao động và BHXH vừa để giảm thiểu thời gian và rút gọn thủ tục đăng ký thành lập DN, vừa để giúp cho công tác theo dõi, quản lý tình trạng tổ chức, hoạt động, giải thể, phá sản của các DN trên thực tế. Việc áp dụng thống nhất một thủ tục thành lập DN, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, không phân biệt nhà đầu tư trong nước và nước ngoài là hợp lý.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị: Để tạo thuận lợi cho DN, cần quy định cụ thể trong Dự án Luật một cơ quan đầu mối quản lý thống nhất về đăng ký thành lập DN; đồng thời bổ sung quy định chặt chẽ về hậu kiểm đối với DN để bảo đảm DN đã đăng ký là có tồn tại và hoạt động, thông tin trong Giấy đăng ký kinh doanh đúng thực tế. Từ đó, mới có dữ liệu đáng tin cậy về tình trạng cũng như số lượng các DN thành lập mới, đang hoạt động, tạm ngừng hoặc đã phá sản, giải thể.
Nên có chương riêng về việc kiểm soát
Đặt vấn đề Dự án Luật ra đời có giải quyết được những bất cập trong hoạt động của hệ thống DN hiện nay không, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: Tạo thuận lợi hơn cho mọi loại hình hoạt động là tốt, nhưng cũng phải lưu ý đến việc phòng ngừa, ngăn chặn những hiện tượng lừa đảo, phức tạp trong kinh doanh. Trong khi đó, Dự thảo chưa có chương, điều nào mới đặt ra vấn đề kiểm soát chặt chẽ hoạt động của DN. Việc sửa Luật cần cân đối, hài hòa cả hai mặt đó. Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu: Dự án Luật phải phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật.
Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, để kiểm soát các hành vi gian lận thì phải dựa vào các hiệp hội, đối tác kinh doanh trên thương trường trên cơ sở nguyên tắc mà Dự án Luật đặt ra là công khai minh bạch. Hiện, danh mục các ngành nghề bị cấm đã có trong những văn bản pháp luật khác nhau, nếu Quốc hội cho chủ trương thì cơ quan soạn thảo sẽ tập hợp lại đưa hết vào phụ lục ban hành kèm theo luật này.
Đưa ra thực tế về những bức xúc xảy ra tại nhiều DN hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị: Trong các hành vi bị cấm, đề nghị bổ sung thêm quy định cấm các hành động ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động. Dự án Luật phần thanh tra, kiểm tra chưa thấy có chế tài xử phạt những vi phạm này. Do đó, cần phải cụ thể hóa thêm một bước nữa.
Nhiều ý kiến không đồng tình khi Dự án Luật chưa có chương điều riêng về DN Nhà nước. Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát những nội dung có tính đặc thù liên quan đến thành lập và tổ chức quản lý DN Nhà nước để chuyển hóa vào các phần tương ứng trong Dự án Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu ý kiến tại Phiên họp. Ảnh: TTXVN
|
Đảm bảo việc thi hành án dân sự đúng thời hạn Theo tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự , kết quả thi hành án dân sự tuy có tăng lên so với trước song chưa thật bền vững, số vụ việc và tiền chuyển kỳ sau vẫn còn rất lớn và có xu hướng tăng lên. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng: Việc sửa đổi, bổ sung Luật sẽ hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, góp phần bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013. |