Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ly kỳ và phức tạp vụ cây sưa trăm tỷ: Cuộc đấu giá không thành và số phận hai cây sưa

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi có văn bản hướng dẫn của các sở, ngành TP, ngày 27/1/2019, các cụ cao tuổi thôn Phụ Chính tiến hành chặt hạ hai cây sưa đỏ rồi xếp vào thùng container để ở sân nhà văn hóa, khóa cửa và quây lưới thép B40. Đồng thời, lắp camera an ninh xung quanh, cử người thay phiên nhau trông giữ khối tài sản…khổng lồ.

 Chặt hạ hai cây sưa chờ đấu giá
 Trước khi chặt hạ hai cây sưa, các cụ cao tuổi và người dân thôn Phụ Chính đã thống nhất thành lập Ban khai thác gỗ sưa với 23 người. Qua đó, ngày 27/1/2019, việc tiến hành chặt hạ hai cây sưa đỏ khoảng 200 tuổi với hơn 5 tấn gỗ đã hoàn tất. Đồng thời, các cụ cưa cây thành gần 40 khúc (thân, cành, gốc) được đánh số thứ tự và lập danh sách quản lý rồi cho vào thùng container để ở sân nhà văn hóa, khóa cửa, quây lưới thép B40. Mặt khác, lắp camera an ninh xung quanh và cắt cử người thay phiên nhau trông giữ gỗ.
 Container gỗ sưa để trong sân nhà văn hóa thôn Phụ Chính được các cụ thay phiên nhau trông giữ
 Ông Vũ Văn Tý, thôn Phụ Chính chia sẻ: Do hai cây sưa đang bị mục nát một số cành và thân cây. Vì vậy, khi được cơ quan chức năng cho phép cùng với sự thống nhất của người dân, các cụ cao tuổi và cán bộ thôn. Mặt khác, do trước đây người dân địa phương đã phải hàn khung sắt rồi thay nhau canh giữ cây sưa gần 9 năm trời, đã quá mệt mỏi rồi. Khi đủ điều kiện, thuận tiện cho việc quản lý và giao dịch là chúng tôi tiến hành chặt hạ cây chờ đấu giá công khai theo quy định thôi.
Trưởng thôn Phụ Chính Vũ Văn Tuyến cho biết: Sau khi chặt hạ cây sưa, các cụ và cán bộ thôn đã thống nhất phân ra 5 loại gỗ dự tính bán khoảng 32 triệu đồng/kg với loại 1…, loại 5 là rễ cây có giá 6 triệu đồng/kg. Qua đó, các cụ và cán bộ thôn cùng Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá (Sở Tư pháp Hà Nội) xây dựng kế hoạch, phương án đấu giá toàn bộ lô gỗ sưa. Tại thời điểm này, thôn đã thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về buổi đấu giá để người dân và doanh nghiệp nắm bắt.
Theo kế hoạch, ngày 1/7 là thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ tham gia đấu giá và hết ngày 2/7 sẽ kết thúc việc nộp tiền đặt trước. Buổi đấu giá  sẽ được tổ chức vào ngày 4/7. Người tham gia đấu giá lô gỗ sưa phải đặt trước tiền tăng giảm theo nhóm gỗ như đã phân loại. Cụ thể, nhóm 1 phải đặt trước 9,8 tỷ đồng, nhóm 2 đặt trước 7,4 tỷ đồng, nhóm 3 là 1,8 tỷ đồng, nhóm 4 là 1,5 tỷ đồng… Tuy nhiên, buổi đấu giá phải hoãn lại vì không có cá nhân nào tham gia mua hồ sơ và đặt cọc tiền đã gây ra sự lo lắng cho người dân.
Sẽ đấu giá lần hai
 Để tránh việc đấu giá không thành như lần một, từ ngày 6 - 8/8, các cụ cao tuổi và người dân thôn Phụ Chính đã cử ra 50 người có kinh nghiệm trong chế biến, khai thác gỗ mở thùng container rồi đưa toàn bộ lô gỗ sưa ra đục đẽo vỏ. Toàn bộ phần vỏ và rác cây sưa đẽo ra sẽ được bỏ đi, chỉ lấy phần lõi cây bán tính cân theo quy định chung của giới buôn gỗ hiện nay.
Theo ghi nhận của phóng viên tại nhà văn hóa thôn Phụ Chính sáng 6/8, toàn bộ 50 người dân là các cụ cao tuổi và thanh niên miệt mài đục đẽo võ cây sưa dưới trời nắng nóng gay gắt. Tất cả những người tham gia được phân công nhiệm vụ cụ thể dưới sự giám sát của cán bộ thôn và các cụ cao tuổi trong Ban khai thác gỗ sưa. Tuy lao động vất vả, nhưng tất cả đều vui vẻ và có chung mục đích là đóng góp công sức của mình để sớm tổ chức đấu giá hai cây gỗ sưa lấy tiền xây dựng công trình phúc lợi, trong đó có Chùa Vĩnh Phúc đang hoàn thiện ở giai đoạn cuối.  
 Người dân miệt mài đục đẽo vỏ cây sưa để chờ đấu giá lần thứ hai
 
 Ông Đinh Văn Bài, thôn Phụ Chính tâm sự: Sau nhiều buổi họp các cụ cao tuổi, người dân, cán bộ thôn Phụ Chính đã thống nhất mở thùng container đưa gỗ ra đẽo, bỏ vỏ và rác cây để chuẩn bị cho lần đấu giá thứ hai. Sau ba ngày miệt mài lao động, toàn bộ số gỗ của hai cây sưa nặng hơn 5 tấn đã được loại bỏ xong phần vỏ và rác, giờ chỉ còn lõi cây với khoảng 4,5 tấn lại được cho vào thùng container  quản lý, canh gác nghiêm ngặt chờ ngày đấu giá. Ước tính toàn bộ số lõi hai cây gỗ sưa đỏ sẽ bán được hơn 100 tỷ đồng.
Trưởng thôn Phụ Chính Vũ Văn Tuyến mong muốn, để tránh buổi đấu giá lần thứ hai không thành, cán bộ thôn và các cụ cùng Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá thống nhất xây dựng kế hoạch đấu giá lô gỗ sưa này một cách bài bản hơn. Cụ thể, từ việc đục đẽo bỏ hết lớp vỏ và rác cây sưa theo quy định chung của giới buôn gỗ; lập danh sách, phân loại gỗ để khi đấu giá sát với giá thị trường; thủ tục đấu giá, bán hồ sơ sẽ được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng… Hiện nay, chúng tôi đang thống nhất thời gian đấu giá và hy vọng lần đấu giá tới sẽ thành công.
Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên khẳng định: Rất may sau khi xảy ra vụ việc Công huyện Chương Mỹ bắt giữ lô gỗ và phong tỏa tiền, UBND TP Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị khẩn trương làm rõ bản chất sự việc. Qua đó, xác định không có dấu hiệu vi phạm nên các đơn vị dừng việc kiểm điểm cán bộ, hoàn trả tiền và gỗ cho người mua, bán. Lúc này, một số cán bộ Hạt Kiểm lâm Chương Mỹ mới được “giải oan”. Thực hiện theo chỉ đạo của Sở NN&PTNN Hà Nội, thời gian gần đây đơn vị chỉ đạo cán bộ chuyên môn có trách nhiệm hướng dẫn người dân thôn Phụ Chính làm tốt công tác khai thác, quản lý lô gỗ sưa đến khi đấu giá thành công để đóng dấu búa kiểm lâm xác định đủ điều kiện đem đi tiêu thụ. Như vậy, có thể số phận hai cây sưa đại thụ ở Chùa Vĩnh Phúc, xã Hòa Chính sẽ đến hồi kết.
Một số hình ảnh người dân đục đẽo vỏ hai cây sưa đỏ ngày 6/8 chờ đấu giá.