Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mạo sổ đỏ lừa đảo từ thông tin mạng xã hội

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ đoạn dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) được làm giả để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hiện vẫn đang xảy ra.

Mới đây, cơ quan công an đã phát hiện trường hợp lừa đảo bất động sản (BĐS) với phương thức, thủ đoạn mới.

 Ảnh minh họa

Ngày 10/2, Công an quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) đã lệnh bắt khẩn cấp Trần Quốc Thịnh (SN 1993, trú huyện Nam Trà My, Quảng Nam) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) tiếp nhận hồ sơ sang tên đổi chủ lô đất số 271, tờ bản đồ số 30 tại phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ từ Trần Quốc Thịnh cho vợ chồng anh H., trú đường Lê Quang Sung, quận Thanh Khê. Qua kiểm tra, cán bộ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất phát hiện sổ đỏ mang tên Trần Quốc Thịnh có dấu hiệu giả mạo nên đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an xác minh. Qua điều tra, cơ quan công an làm rõ, khoảng tháng 6/2016, đối tượng Thịnh xem trên mạng xã hội có người quảng cáo rao bán nhà đất, kèm theo hình ảnh rõ ràng thông tin về sổ đỏ của chủ sở hữu. Nảy sinh ý định lừa đảo, Thịnh đã tải hình ảnh, thông tin về máy tính cá nhân và thuê đối tượng không quen biết trên mạng xã hội làm giả sổ đỏ mang tên Trần Quốc Thịnh với giá 10 triệu đồng. Tiếp đó, Thịnh mang sổ đỏ giả mạo rao bán lô đất với giá tiền 330 triệu đồng và vợ chồng anh H. đã giao dịch mua bán, công chứng thành công. Đến khi mang sổ đỏ đi sang tên đổi chủ mới bị cơ quan chức năng phát hiện giả mạo…

Theo cơ quan công an, việc chứng nhận thành công là do phía văn phòng công chứng chỉ làm hợp đồng dựa trên giấy tờ mà người bán cung cấp và lập hợp đồng sang nhượng không cần xác minh, sau đó người mua tự đi đăng ký sang tên tại cơ quan chức năng. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, thông qua công chứng chưa thể chắc chắn khẳng định tài sản BĐS được giao dịch là của người bán. Ngoài ra, do công nghệ máy móc hiện đại, các đối tượng hiện nay làm giả sổ đỏ khá tinh vi, việc xác định thật – giả bằng mắt thường là rất khó.

Từ tình hình thực tế nêu trên, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không tham gia giao dịch BĐS chưa thật rõ ràng. Trước khi thực hiện các giao dịch, người mua cần kiểm tra thông tin về nhà đất định mua tại UBND phường, xã, nơi quản lý sổ đỏ và phòng TNMT quận, huyện, nơi phát hành sổ đỏ. Mặt khác, người dân có nhu cầu bán tài sản cũng cần lưu ý, không nên đăng tải toàn bộ thông tin, hình ảnh quá rõ ràng, cụ thể, tránh trường hợp kẻ gian lợi dụng để thực hiện vào mục đích xấu.