Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Masan Nutri-Science: Đưa thịt mát đến tay người tiêu dùng

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mong muốn cung cấp những giải pháp đạm động vật có thương hiệu cho mọi gia đình và mỗi người dân tại Việt Nam, Công ty TNHH Masan Nutri-Science (MNS) thuộc Tập đoàn Masan, đã đầu tư xây dựng hệ thống trang trại chăn nuôi lợn đạt tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (Global GAP). Khát vọng đưa "thịt mát" đến với người tiêu dùng Việt Nam đang dần trở thành hiện thực.

Quy trình chăn nuôi chuẩn Global GAP
Được khởi công xây dựng từ đầu tháng 11/2016 tại huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao của MNS là trang trại gia súc đầu tiên của cả nước đạt tiêu chuẩn Global GAP. Trang trại với hai phân khu có tổng diện tích 200ha, vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng. Phân khu S2 của trang trại đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2017, trong khi phân khu S1 sẽ được khởi công vào đầu năm 2019. Hiện, công suất của phân khu S2 là 4.500 lợn nái, 150 lợn đực, khoảng 13.000 lợn con sau cai sữa và 35.000 lợn thịt thương phẩm.
 Chế biến thịt lợn của Công ty TNHH Masan Nutri-Science. Ảnh:  Trọng Tùng
Trang trại chọn lọc khắt khe nguồn lợn giống khỏe mạnh, áp dụng công nghệ nuôi khép kín nên quá trình chăn nuôi hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của điều kiện thời tiết. Quá trình chăn nuôi lợn cũng không sử dụng kháng sinh, được kiểm soát chặt chẽ về thú y và an toàn sinh học, đồng thời, sử dụng thức ăn đạt tiêu chuẩn Global GAP được sản xuất bởi một “công ty con” của MNS.

Một điểm rất ấn tượng của MNS là DN này đã đầu tư tới 200 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi hiện đại, tự động hóa gần như toàn bộ và được giám sát bằng ra-đa. Trang trại cho ra nước thải sau xử lý đạt loại “A” và có thể tái sử dụng tới 70%. Bên cạnh đó, hệ thống còn tạo ra nguồn điện từ bể khí sinh học biogas, đáp ứng nhu cầu về điện cho mọi hoạt động của trang trại.

Từ trang trại đến bàn ăn

Tháng 2/2018 đánh dấu bước đi quan trọng của MNS khi DN này khánh thành Tổ hợp chế biến thịt theo công nghệ châu Âu tại Khu công nghiệp Đồng Văn IV (Hà Nam). Đến nay, tổ hợp đã cơ bản hoàn thành, đang trong quá trình vận hành thử nghiệm. Tổ hợp chế biến thịt rộng 10ha, có tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng với công suất lên tới 1,4 triệu con lợn/năm. Toàn bộ dây chuyền sản xuất theo công nghệ thịt mát được nhập khẩu từ châu Âu và lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

Điều khiến nhiều người ấn tượng trong quy trình sản xuất thịt mát của MNS nằm ở tính nhân văn. Theo đó, lợn thịt từ trang trại chăn nuôi tại Nghệ An khi đưa về Tổ hợp chế biến thịt sẽ được chăm sóc kỹ lưỡng, bao gồm cả việc được nghe nhạc, trong 4 – 5 ngày. Trước khi đưa vào giết mổ, lợn sẽ được làm ngất bằng khí CO2. Theo ông Matthys van der Lely - Giám đốc điều hành lĩnh vực kinh doanh thịt của MNS, điều này không chỉ bảo đảm yếu tố nhân văn – một trong những vấn đề mà các quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ rất quan tâm đối với các sản phẩm thịt xuất khẩu, mà còn giúp chất lượng thịt lợn không suy giảm do lợn bị căng thẳng hoặc kích động.

Sau khi được pha lóc, các công đoạn trữ lạnh, đóng gói và chuyển đến địa điểm tiêu thụ, thịt được bảo quản liên tục ở 0 – 4 độ C, giúp chất lượng thịt không bị ảnh hưởng trong quá trình phân phối lưu thông. Hiện, MNS đã xây dựng thành công thương hiệu thịt mát tiêu chuẩn châu Âu có tên “Meat Deli”. Người tiêu dùng cũng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua nhãn hàng hóa.

Ông Matthys cho biết, với nền tảng 3F (Feed – Farm – Food, từ trang trại đến bàn ăn), MNS sẽ mang tới cho người tiêu dùng tại Việt Nam những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, an toàn và phù hợp với túi tiền nhất. Đồng thời tin tưởng, thịt mát sẽ thay đổi thói quen và trở thành tiêu chuẩn tiêu dùng mới của người Việt Nam.