Điểm sáng duy nhất
Nếu không có gì thay đổi, ngày 21/10/2012, Dự án Đường vành đai III Hà Nội giai đoạn 2 đoạn Mai Dịch - Pháp Vân, gồm 3 gói thầu, với 8,9 km đường cao tốc chạy trên cao sẽ được thông xe toàn tuyến, vượt trước tiến độ từ 8 đến 15 tháng (tùy vào từng gói thầu).
Là dự án đường cao tốc đô thị hiện đại nhất ở Hà Nội, công trình có tổng mức đầu tư 6.197 tỷ đồng này khi hoàn thành sẽ tạo nên một tuyến đường cao tốc trên cao dài gần 28,1 km từ cầu Phù Đổng đến Mai Dịch, góp phần giảm bớt ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô.
Trước đó, gói thầu số 3 của Dự án (đoạn Thanh Xuân - Bắc hồ Linh Đàm dài 3,2 km) đã được thông xe vào cuối tháng 6/2012.
“Tính tới thời điểm này, do không vướng mặt bằng thi công, nên Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 là các đơn vị thi công 2 gói thầu còn lại đang kiểm soát tốt các mốc tiến độ”, ông Vũ Xuân Hòa, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án - PMU Thăng Long cho biết.
Tuy nhiên, Dự án Đường vành đai III giai đoạn 2 chỉ là điểm sáng duy nhất trong số hơn 10 dự án giao thông lớn có chức năng xả bớt áp lực cho giao thông nội đô (do Bộ Giao thông - Vận tải quản lý) đang được triển khai trên địa bàn Hà Nội.
Nỗi lo muôn thuở - mặt bằng
Ông Nguyễn Thanh Vân, Phó tổng giám đốc PMU 85 cho biết, mặt bằng là nỗi ám ảnh lớn đối với 2 công trình do đơn vị này quản lý (Dự án Đường nối Sân bay Nội Bài tới cầu Nhật Tân và Dự án Xây dựng cầu Nhật Tân).
Được khởi công từ cuối tháng 9/2011, Dự án Đường nối sân bay Nội Bài tới cầu Nhật Tân có chiều dài 12,1 km được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc đô thị 6 làn xe, với tổng mức đầu tư 4.956 tỷ đồng bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản.
Dự án Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông hiện đã chậm 3 tháng so với kế hoạch
Theo yêu cầu của Bộ Giao thông - Vận tải, tuyến đường sẽ phải hoàn thành vào cuối năm 2014 để kịp kết nối 2 công trình đầu mối giao thông lớn ở Hà Nội là Nhà ga Hàng không T2 Nội Bài và cầu Nhật Tân.
“Được ‘giải phóng’ hoàn toàn khỏi nỗi lo thiếu vốn, năng lực của các đơn vị thi công (là nhiều nhà thầu quốc tế lớn) khá tốt, song khả năng Dự án Đường nối sân bay Nội Bài tới cầu Nhật Tân tạo được một cú tăng tốc mang tính đột phá như Dự án Đường vành đai III là rất thấp”, ông Vân thừa nhận.
Theo báo cáo của PMU 85, 3 trong số 5 gói thầu xây lắp của Dự án trên (đoạn đi qua địa phận huyện Sóc Sơn) đang bị “sa lầy”, vì chưa có mặt bằng sạch. Tính đến đầu tháng 9/2012, huyện Sóc Sơn mới chỉ bàn giao được 32,3 ha trên tổng số 66 ha.
Đáng lo ngại là, việc di dời 7,68 ha đất thổ cư với 374 hộ dân thuộc địa bàn huyện Sóc Sơn đang triển khai rất chậm. Trong khi đó, tại Dự án Xây dựng cầu Nhật Tân, các nhà thầu Nhật Bản cũng đang khiếu nại lên chủ đầu tư, đề nghị bổ sung kinh phí do Hà Nội chậm bàn giao mặt bằng, khiến công trình này phải lùi tiến độ đến tận năm 2014.
Không khá hơn 2 dự án đường bộ nói trên, Dự án Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) cũng đã chậm khoảng 3 tháng so với kế hoạch và nhiều khả năng, khó hoàn thành các hạng mục hạ tầng vào cuối năm 2014 và đưa vào chạy thử thương mại trong quý I/2015. Sau gần 1 năm thi công, tiến độ thi công thực tế do nhà thầu Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc đảm nhận đã bị tụt so với kế hoạch gần 1 quý.
Ông Trần Văn Lục, Giám đốc PMU Đường sắt cho biết, ngoài vướng mắc do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm, tiến độ thẩm tra và phê duyệt thiết kế thi công kỹ thuật cũng chậm, do phía tổng thầu EPC không có cán bộ có thẩm quyền quyết định trực tiếp tại Việt Nam…
“Hơn nữa, phía nhà thầu Trung Quốc cũng chưa hoàn thiện hợp đồng với các nhà thầu phụ, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhà thầu thi công tại nhiều điểm thi công đã có giấy phép. Theo kế hoạch, sẽ có 14 mũi thi công, nhưng hiện mới chỉ có 7 mũi”, ông Lục cho biết.
Với tổng mức đầu tư khoảng 550 triệu USD, theo thiết kế, Dự án Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (dài 13 km, gồm 12 nhà ga) có năng lực vận chuyển tối đa 28.000 khách/giờ/hướng được coi là trục giao thông xương sống góp phần giải quyết căn bản bài toán giao thông từ nội đô ra cụm đô thị vệ tinh ở khu vực phía Đông Hà Nội.
Theo quy định của Chính phủ, để tiến độ các dự án giao thông bị chậm tiến độ do GPMB, trách nhiệm đầu tiên thuộc về TP. Hà Nội - chủ đầu tư các tiểu dự án GPMB.
“Hầu hết các chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách đều kêu khó hợp tác với các địa phương của TP. Hà Nội trong việc đẩy nhanh tiến độ GPMB”, một lãnh đạo PMU 2 thuộc Bộ Giao thông - Vận tải nhận xét.
“Hiện tình trạng có quá nhiều vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện chậm được xử lý, khiến thời hạn hoàn thành của hầu hết các dự án giao thông lớn ở Hà Nội đang trở thành những “kế hoạch ảo”. Điều đáng tiếc là, có không ít công trình có đủ vốn, nếu bám được tiến độ đề ra sẽ góp phần giải quyết đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông cho Hà Nội”, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đánh giá.