Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mặt cầu Thăng Long hỏng do 'công nghệ thất bại'

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khẳng định không có tham nhũng trong quá trình sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) mà hỏng hóc do chuyển giao công nghệ thất bại, Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Hồng Trường nói, đây là trách nhiệm tập thể.

Trao đổi với báo chí chiều 28/9, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, cầu Thăng Long có cấu tạo đặc biệt, trải bê tông trên bản thép. Đây là công nghệ xây dựng phức tạp không có nhiều nước trên thế giới áp dụng. Cầu Thăng Long đã được khai thác khá lâu nên việc đảm bảo bê tông dính bám với bản thép đòi hỏi có nhiều công nghệ mới.

Sau khi Chính phủ cho phép sửa chữa mặt cầu, Bộ đã mời các chuyên gia từ Anh, Singapore và các chuyên gia trong nước nghiên cứu về công nghệ. Tuy nhiên, sau khi sửa chữa, mặt cầu Thăng Long tiếp tục xuất hiện nứt do không dính bám, cho thấy công nghệ được áp dụng không phù hợp với thời tiết Việt Nam. Tổng cục Đường bộ đã giao cho đơn vị thi công tiến hành bảo hành, sửa chữa.

Mặt cầu Thăng Long hỏng do 'công nghệ thất bại' - Ảnh 1

Mặt cầu hỏng được cho là trách nhiệm tập thể của các cơ quan liên quan.

"Quá trình chuyển giao công nghệ của nước ngoài có cái thành công và có thất bại. Nếu thành công hết thì rất khó. Mặt cầu Thăng Long hỏng do chúng ta chuyển giao công nghệ không thành công, chúng ta chấp nhận vì không lường trước được. Đây là bài học sâu sắc trong quá trình chuyển giao công nghệ để chúng ta có cách nhìn tốt hơn và cách làm tốt hơn", thứ trưởng Trường bày tỏ.

Ông Trường cũng cho hay, gần đây, một công ty của Mỹ đã mạnh dạn thay thế lớp dính bám bằng một lớp dính bám mới và lớp nhựa bằng nhựa polime có chất lượng tốt hơn. Sau khi thử nghiệm, Bộ GTVT đã thấy một số chỗ hư hỏng áp dụng phương pháp này có kết quả tốt hơn, chưa bong bật. Do vậy, đang tập trung sửa chữa các điểm hư hỏng khác bằng phương pháp mới này.

Ngoài ra, mặt cầu Thăng Long là cả một dầm thép, qua nhiều năm đã biến dạng, võng, nên Bộ kiến nghị Chính phủ cho phép nghiên cứu, sửa chữa tổng thể toàn bộ mặt cầu. Nhật Bản đang giúp Việt Nam chuẩn bị xây dựng tuyến đường trên cao Mai Dịch - Nam Thăng Long bằng vốn vay ODA nên Bộ Giao thông đã yêu cầu Nhật Bản nghiên cứu, hỗ trợ sửa chữa triệt để mặt cầu Thăng Long.

Đề cập trách nhiệm cá nhân liên quan đến thất bại khi sửa chữa mặt cầu Thăng Long, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ Giao thông đã kết luận không có tham nhũng, tiêu cực, bớt xén mà do quá trình chuyển giao công nghệ. Đây là trách nhiệm của tập thể các cơ quan liên quan.

Việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long được bắt đầu tháng 10/2009. Sau 3 tháng hoàn thành đưa vào sử dụng đã xuất hiện những vết nứt mới và tiếp tục được sửa chữa nhiều lần trong quá trình bảo hành 2 năm qua.

Đầu năm 2012, Bộ Giao thông Vận tải đã thanh tra dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long và kết luận, nguyên nhân chính khiến mặt cầu xuống cấp là do các đơn vị đưa ra giải pháp thiết kế và sử dụng kết cấu chưa phù hợp, thiết kế hệ thống thoát nước không đồng bộ dẫn đến đọng nước làm hư hỏng mặt đường.