Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mặt hàng nào của Mỹ sẽ bị trả đũa sau khi áp thuế thép, nhôm nhập khẩu?

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp thuế mạnh thép và nhôm nhập khẩu, khiến đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, châu Âu và láng giềng Canada xem xét đáp trả.

Không tạo ra nhiều việc làm như kỳ vọng
Tổng thống Trump cho biết, việc áp thuế 25% cho thép nhập khẩu và 10% với mặt hàng nhôm nhập khẩu sẽ được chính thức thông báo vào tuần tới.
Thép, nhôm sẽ bị đánh thuế 25% và 10% khi vào Mỹ. 
Người đứng đầu nước Mỹ tin rằng, động thái này sẽ bảo vệ công việc cho người dân Mỹ nhưng nhiều nhà kinh tế cho rằng, tác động từ việc tăng giá của mặt hàng nhôm và thép sẽ khiến ngành ô tô và dầu khí khó khăn, thậm chí còn triệt tiêu công việc hơn là tạo ra việc làm. Các chuyên gia cũng cho rằng, khả năng tăng chi phí cho các ngành công nghiệp sẽ làm thất bại cam kết gia tăng công việc trong nước.
Trong khi các nhà sản xuất thép Mỹ đã mất 3/4 việc làm trong khoảng thời gian từ năm 1962 - năm 2005, một nghiên cứu của Hiệp hội Kinh tế Mỹ cho thấy, nguyên nhân chính là do công nghệ sản xuất được cải thiện, với sản lượng của người lao động tăng gấp 5 lần.
"Như vậy, ngay cả khi bảo hộ thương mại dẫn đến tăng sản xuất trong nước, điều này cũng không đồng nghĩa với việc tăng thêm việc làm như kỳ vọng", một báo cáo của mạng lưới kinh tế độc lập Econofact cho biết vào tuần trước.
Ngân hàng đầu tư Barclays ước tính việc tăng thuế này sẽ tăng 0,1 điểm% vào lạm phát cơ bản và cắt giảm tăng trưởng kinh tế 0,1 - 0,2 điểm % trong trước mắt.
Cổ phiếu của các nhà sản xuất thép và nhôm nội địa Mỹ đã tăng giá nhưng các cổ phiếu các nhà sản xuất ô tô và máy bay lại giảm khi khả năng họ phải mất chi phí cao hơn cho mặt hàng kim loại gia tăng.
Đậu nành nhận đòn đau?
Các chuyên gia lo ngại, mặt hàng nông sản của Mỹ sẽ phải đối mặt với sự đáp trả của các nước xuất khẩu nhôm và thép sang Mỹ.
Trung Quốc đã đe dọa ngừng nhập khẩu đậu nành Mỹ, trong khi Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ cân nhắc động thái tương tự. Căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đã gia tăng kể từ khi ông Trump nhậm chức năm 2016. Việc áp thuế này không ảnh hưởng trực tiếp quá lớn đến Trung Quốc. Số liệu thống kê cho thấy, Canada cung cấp 16% nhu cầu thép của Mỹ so với 2% từ Trung Quốc và đến nay vẫn là nhà xuất khẩu thép lớn nhất, đứng trên Brazil và Hàn Quốc.
Khu vực trồng đậu nành ở Mỹ (màu xanh). 
Các nước khác cũng đang xem xét việc đáp trả. “Nếu các quy định áp đặt lên mặt hàng nhôm và thép của Canada, chúng tôi sẽ có biện pháp bảo vệ lợi ích và công nhân của chúng tôi”, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland cho biết. Washington hiện vẫn còn đang tái đàm phán Hiệp định thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) với Ottawa và Mexico.
Một mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác của Mỹ sang Trung Quốc chính là đậu nành. Trang Bloomberg khẳng định đậu nành là “vũ khí lợi hại nhất mà Trung Quốc có thể dùng chống lại Mỹ”. Giá trị xuất khẩu của mặt hàng này sang Trung Quốc giai đoạn 12/2016 - 11/2017 đạt 13,5 tỷ USD. "Đó thực sự là một cú sốc vô cùng lớn với ngành nông nghiệp Mỹ” - nhà nghiên cứu kinh tế Nicholas Lardy tại Viện Kinh tế thế giới Peterson cho hay. 
Trong khi đó, các bang miền Trung Tây - thủ phủ đậu nành của Mỹ lại là nơi mà Tổng thống Trump rất cần sự ủng hộ nếu muốn tái đắc cử vào năm 2020. Năm 2016, ông Trump cũng đã chiến thắng nhờ vào số phiếu bầu từ các bang nông thôn.