KTĐT - Hơn 3 tháng tưởng đã thấm cú lừa ngoạn mục, đến giữa tuần qua, hàng trăm thuê bao di động lại "tự móc túi mình" khi bỏ tiền ra nạp thẻ qua trang website trên. Điều đáng nói là, chiêu thức lừa lần này tinh vi hơn gấp nhiều lần.
Trang web có treo logo MobiFone-Viettel sáng nay đột ngột đóng cửa, sau khi đã lừa hàng trăm thuê bao di động bằng chiêu thức nạp tiền siêu khủng với khuyến mãi gấp gần 5 lần giá trị thẻ.
Website http://mobifone-viettel.clanteam.com xuất hiện trên mạng từ tháng 1/2011 và nhanh chóng được hai hãng viễn thông MobiFone và Viettel đưa ra lời cảnh báo về nguy cơ có thể mất tiền, nếu khách hàng truy cập và làm theo cách thức nạp thẻ.
Nhiều người bị hoa mắt vì mức khuyến mãi khá cao 500.000 đồng ăn 2,2 triệu đồng đã mất tiền oan. |
Hơn 3 tháng tưởng đã thấm cú lừa ngoạn mục, đến giữa tuần qua, hàng trăm thuê bao di động lại "tự móc túi mình" khi bỏ tiền ra nạp thẻ qua trang website trên. Điều đáng nói là, chiêu thức lừa lần này tinh vi hơn gấp nhiều lần.
Chiều 27/4, chị Hoàng Lan, nhân viên công ty chuyên về thời trang ở Hà Nội thấy đồng nghiệp đang công tác tại TP HCM nhảy vào mạng thông báo: Có trang này nạp tiền khuyến mãi và gửi kèm theo đường link mở ra cửa sổ hướng dẫn cách thức nạp tiền.
"Tôi thấy cách thức nói chuyện với cô đồng nghiệp vẫn rất bình thường. Sau khi hỏi thăm một vài chuyện, cô ấy chốt lại là: 'Nhiều người nạp được tiền rồi đấy, tớ cũng vừa nạp, cậu làm ngay đi kẻo hết giờ'. Không mấy nghi ngờ, tôi cũng vội mua chiếc thẻ 200.000 của Viettel để nạp vào tài khoản theo hình thức này", chị Lan nói.
Trang website "lừa" đã đóng cửa kèm theo lời cảnh báo cho những ai truy cập vào đây. |
Theo hướng dẫn, sau khi nạp xong mã số bí mật, chị Lan phải tắt máy 20 phút rồi khởi động lại để kiểm tra tài khoản. "Sau đó, tôi dùng máy cố định ở công ty gọi điện thông báo cho chồng về chương trình khuyến mãi đó. Anh ấy nói tôi bị lừa vì không thể có cách thức nào nạp tiền rẻ như thế. Lúc này, tôi mới bắt đầu nghi ngờ", chị Lan kể.
Cùng lúc đó, chị gọi điện thoại cho đồng nghiệp. "Đồng nghiệp của tôi không hiểu chuyện gì mà chỉ nói từ sáng đến giờ cô cũng bị bạn bè, người thân gọi điện mắng cô ấy lừa. Té ra, nick chat của cô ấy bị hack. Kẻ gian đã gửi đường link về chương trình khuyến mãi thẻ nạp cho tất cả những ai nằm trong danh sách bạn bè", chị Lan than thở.
Anh Nam, trọ ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết đã mất oan 100.000 khi tin vào “cô bạn” đồng nghiệp thân thiết. Anh kể, tối hôm đó khi đang online thì nick đứa bạn sáng rồi nhảy vào nick anh hỏi có nạp thẻ điện thoại Viettel không, nạp 100.000 được hẳn 450.000 trong tài khoản.
“Lúc đầu mình nghe cũng thấy khó tin nhưng cô ấy năn nỉ mãi, nói có người quen làm trong Viettel nên được bày cho cách này, nghĩ không lẽ bạn bè lại lừa nhau nên cũng mua một cái thẻ vào một trang web theo đường link cô ấy cho. Nhưng nạp số serier vào mãi mà không thấy gì, chat trên mạng cũng không thấy cô ấy trả lời, mình gọi điện mới hay bạn mình đã bị hack nick vài ngày nay”, anh Thịnh chua xót kể.
Liên hệ với chị Trương Thị Oanh, chủ nhân của yahoo này, báo chí được biết nick đó chị đã bị đánh cắp mật khẩu và không chỉ anh Nam, rất nhiều người trong list yahoo của chị cũng bị mắc bẫy trò lừa này.
Chị Oanh cho biết, khi nhiều bạn bè gọi điện đến hỏi “được chưa Oanh?”, chị mới ngớ người biết nick đã bị hack và không ít người đều bị lừa. “Trung bình mỗi ngày đều có 2-3 người bạn của mình bị mất tiền oan. Sim của mình lại hỏng nên không lấy được số để báo được cho mọi người, dù đã cố hết sức để thông báo tình hình với người thân nhưng vẫn nhiều người réo là bị lừa, mang tiếng quá”, chị Oanh giãi bày.
Thông thường, những người bị hack nick không thể vào lại được nick của họ để thông báo cho bạn bè trong yahoo. Bởi người hack sẽ ăn cắp mật khẩu để đăng nhập vào nick, ngay sau khi online thành công, họ sẽ thay đổi password để chủ nhân thực sự của yahoo đó không thể vào được nữa.
Người hack nick kiểu này thường tận dụng vào những mối quan hệ trong danh sách yahoo để kêu gọi mọi người mua thẻ rồi nạp rồi dẫn dắt họ vào một trang web http://mobifone-viettel.clanteam.com/ để nạp số seri, nhưng sau thao tác đó, tất cả đều không thấy tài khoản được cộng thêm tiền và cũng không hiểu số tiền của seri đó đã biến đi đâu. Trang web trên cũng tuyệt nhiên không có dòng địa chỉ hay số điện thoại liên lạc.
Theo suy đoán của những người bị lừa, số seri đó sẽ được chủ trang web đánh cắp để nạp vào điện thoại của họ rồi bán bằng dịch vụ nạp tiền Any Pay. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, nhiều đại lý bán sim thể cho hay họ không hề hay biết tới trang web trên, cũng như chưa từng thấy ai đó tới bán tài khoản điện thoại hoặc số seri.
Anh Quang, chủ một đại lý sim thẻ trên đường Cầu Giấy cho biết, không khách nào bỏ tiền ra để mua một dãy số seri mà không in trên thẻ nạp của nhà mạng nên cửa hàng cũng chưa bao giờ nhập hàng kiểu đó. Còn dịch vụ nạp tiền Any Pay, thường trả 100.000 đồng, được bắn 105.000-110.000 đồng vào tài khoản thì bây giờ cũng rất ít người sử dụng do các đợt khuyến mãi 100% giá trị thẻ nạp liên tục nên anh cũng chưa bỏ tiền ra mua tài khoản của ai bao giờ.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Tào Đức Thắng phụ trách kỹ thuật Viettel Telecom cho biết đây là trò lừa nằm ngoài hệ thống kiểm soát của hãng. Kẻ gian lập một website dẫn dụ người tiêu dùng vào đây để nạp thẻ. Khi khách hàng nhập mã số bí mật vào website và ấn nút "đăng nhập", dải số này cũng được gửi tới thành viên quản lý trang này.
Về nguyên tắc, Viettel có thể kiểm soát được việc mã số bí mật được nạp vào thuê bao di động nào. Tuy nhiên, việc xác định ai là chủ nhân thực sự của mã thẻ nạp này phải là cơ quan cấp thẩm quyền vào cuộc điều tra.
Sáng nay, trang http://mobifone-viettel.clanteam.com đã đóng cửa kèm theo lời cảnh báo lỗi vi phạm và có thể gây hại cho những ai muốn truy cập vào đây.
Hai mạng di động Viettel và MobiFone cũng cho biết mấy ngày qua, tổng đài chăm sóc khách hàng cũng nhận được rất nhiều phản ánh của thuê bao về trò lừa nạp tiền qua thẻ như vậy. Theo giới quản trị mạng, Yahoo! Messenger có sức lan tỏa rất lớn, và khi một nick bị hack nó sẽ phát tán thông điệp lừa đi rất nhanh. Và như vậy, trong khoảng 2 ngày, số thuê bao di động bị lừa mất tiền có thể lên tới con số hàng trăm.