Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Máu của bác sĩ còn rơi đến bao giờ?

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù ngành y tế và công an đã có sự phối hợp trong tăng cường an ninh bệnh viện (BV) nhưng hàng loạt vụ tấn công nhân viên y tế diễn ra liên tiếp trong những ngày qua khiến các thầy thuốc không khỏi bất an với nghề.

Những người khoác áo blouse trăn trở, máu chảy ngoài da có thể cầm nhưng tâm lý, tinh thần của các cán bộ y tế bị hành hung sẽ khó có thể bù đắp.
Xảy ra như “cơm bữa”

Chỉ vì ngăn cản một nhóm người xô xát trong BV mà bác sĩ Trần Văn Sơn (BV Hữu nghị Việt Nam - Cuba, Đồng Hới, Quảng Bình) đã bị nhóm côn đồ đánh gục tại chỗ vào tối 23/10. Chứng kiến cảnh đồng nghiệp của mình máu me bê bết đầy mặt, bên cạnh là bệnh nhân trong tình trạng chấn thương nặng, bác sĩ Dương Trần Ánh không khỏi bàng hoàng. Bác sĩ Ánh nhớ lại, thời điểm đó, bác sĩ Sơn đang tiến hành cấp cứu cho 2 bệnh nhân tên Long và Tâm bị thương do va chạm giao thông, kíp trực đang cấp cứu cho bệnh nhân Tâm thì người nhà bệnh nhân Long lao đến gây gổ, vì ngăn cản nên bác sĩ Sơn là người phải “chịu trận”. Trước đó ít ngày, ngày 20/10, Phó trưởng Trạm Y tế xã Hương Lâm (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) Trần Thị Thanh Hải đang trong ca trực cũng bị đối tượng Hoàng Xuân Hải (sinh năm 1991) trong tình trạng say rượu đến nhờ truyền nước. Do bệnh nhân không tỉnh táo nên chị Hải từ chối truyền. Ngay lập tức đối tượng đã dùng dao chém nhiều nhát vào người khiến chị Hải bị đa chấn thương, phải đưa đi cấp cứu tại BV Đa khoa huyện Hương Khê.

Bác sĩ Sơn sau khi bị hành hung phải nằm điều trị tại khoa cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới. Ảnh: Quốc Nam

Điểm lại từ đầu năm 2017, trung bình mỗi tháng đều xảy ra 1 – 2 vụ bạo hành nhân viên y tế tại các BV trên cả nước. Riêng trong tháng 8/2017, một điều dưỡng tại BV Đa khoa Đắk Lắk cũng bị người nhà bệnh nhân đánh đuổi khiến bị thương ở mặt và phải theo dõi chấn thương sọ não. Sau đó một tuần, tại BV Đa khoa 115 (Nghệ An), một bác sĩ tại Khoa cấp cứu cũng bị người nhà hành hung khi đang cấp cứu cho bệnh nhân. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, mặc dù nhiều BV đã phối hợp với công an sở tại để tăng cường an ninh BV, thậm chí lắp đặt camera nhưng chưa hiệu quả. “Nhiều vụ việc gọi được công an đến thì đã xong. Chúng tôi đã nhiều lần mời công an, cơ quan chức năng vào cuộc trong vấn đề an ninh BV, nhưng các vụ bạo hành không giảm mà vẫn gia tăng. Tôi thấy ngành y tế gần như đơn độc” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thay đổi từ hai phía

Mặc dù một số vụ việc hành hung nhân viên y tế đã được đưa ra xét xử, một số đối tượng đã bị kết án, nhưng những con số đó chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đơn cử, vụ việc đối tượng Cấn Ngọc Giang hành hung bác sĩ Lê Quang Dương tại BV Đa khoa Thạch Thất ngày 16/4 cũng chỉ bị kết án 9 tháng tù giam vì tội cố ý gây thương tích. Hay đối tượng hành hung bác sĩ tại BV Đa khoa 115 (Nghệ An) cũng chỉ bị phạt hành chính. Bác sĩ Dương Trần Ánh (BV Việt Nam - Cuba Đồng Hới) trăn trở, liệu có ai còn dám đưa tính mạng của mình ra cứu người khác trong khi tính mạng của mình còn không được bảo vệ?

Trước hàng loạt các vụ việc, Bộ trưởng Bộ Y tế đã kêu gọi chính quyền địa phương các cấp chủ động phối hợp với ngành y tế áp dụng những biện pháp an ninh cần thiết để bảo đảm an toàn cho các nhân viên y tế. Theo Bộ trưởng, cần phải lên án các vụ việc này và giáo dục về tư tưởng thái độ, xử lý nghiêm các đối tượng, thậm chí là xử lý hình sự. Riêng với 2 vụ việc tại Hà Tĩnh và Quảng Bình xảy ra gần đây, Bộ Y tế đã có công văn gửi 2 Sở Y tế yêu cầu lên kế hoạch, giải pháp để đảm bảo an ninh BV trong thời gian tới.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cho rằng, mọi vấn đề đều phải nhìn nhận từ hai phía, muốn an ninh BV được đảm bảo thì ngay các cơ sở y tế cũng như nhân viên y tế cần phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thay đổi phong cách phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Bên cạnh đó, các nhân viên y tế cũng phải biết cách tự bảo vệ mình. “Vẫn biết, có những sự việc xảy ra bất ngờ, nhưng trong quá trình tiếp xúc bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế nên quan sát hành vi, thái độ của người bệnh để có cách ứng xử, cũng như đề phòng sự việc xấu có thể xảy ra” – ông Quang cho hay.
Sáng 25/10, Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã có quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với bị can Hoàng Xuân Hải sinh ngày 25/5/1991 tại xóm 7, xã Hương Long, huyện Hương Khê về tội cố ý gây thương tích theo Quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự. Theo đó, bị can Hoàng Xuân Hải sẽ bị tam giam 3 tháng kể từ ngày bị bắt để phục vụ công tác điều tra.
Cần phải lên án và xử lý nghiêm đối tượng hành hung cán bộ y tế bởi điều này ảnh hưởng đến tính mạng, tâm lý, sức khỏe của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế và chất lượng khám chữa bệnh. Đặc biệt gây tâm trạng bất an, lo lắng cho đội ngũ nhân viên y tế, những người phải thường xuyên trực đêm, tiếp xúc với nhiều đối tượng nhằm chăm sóc sức khỏe cho người dân. Về phía các BV cũng cần tiếp tục nâng cao chất lượng khám và điều trị, hạn chế thấp nhất các sai sót y khoa, nhằm chăm sóc tốt nhất cho người bệnh để tạo tâm lý yên tâm cho cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Giám đốc BV Đa khoa huyện Thạch Thất (Hà Nội)

Vương Trung Kiên
Ở các nước phát triển, nghề y rất được tôn trọng, nếu người nào xâm phạm những người được xã hội tôn vinh, mang lại lợi ích cho chính họ và người thân của họ thì đó được coi là tình tiết tăng nặng, cần xử lý nghiêm khắc hơn. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, mới chỉ có quy định cứng là người đang thi hành công vụ chỉ là những người thực thi công vụ của Nhà nước, do vậy những người làm dịch vụ, làm nghề như thầy giáo, bác sĩ... không được xem là thi hành công vụ. Theo tôi, cần có sự nghiên cứu về vấn đề này và xử lý nghiêm các đối tượng hành hung cán bộ y tế. 
Luật sư Nguyễn Văn Chiến

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội