Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mâu thuẫn tại chợ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy: Tiểu thương cố tình hiểu sai vấn đề

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do những khúc mắc liên quan đến điểm kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, từ 1/6/2014 đến nay, hàng trăm tiểu thương đã không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Điều đáng nói, dù các cơ quan chức năng từ quận đến TP nhiều lần khẳng định, chợ Nghĩa Tân là tài sản của Nhà nước, song nhiều tiểu thương vẫn không chấp hành.
Mâu thuẫn xung quanh điểm kinh doanh

Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân chính khiến các tiểu thương chợ Nghĩa Tân không hoàn thành nghĩa vụ có liên quan xuất phát từ khoản đóng góp xây dựng chợ Nghĩa Tân từ những năm 1995, 1996. Tại thời điểm đó, UBND huyện Từ Liêm (cũ) đã có chủ trương huy động vốn của người dân để xây dựng chợ với hình thức cho thuê chỗ ngồi kinh doanh trong 5 năm, mức huy động là 6,5 triệu đồng/điểm kinh doanh, nội dung thu tiền, mức thu được thể hiện rõ trong phiếu thu của Ban quản lý chợ (BQL) và các tiểu thương.
 Chợ Nghĩa Tân. Ảnh: Công Trình
Tuy nhiên, các tiểu thương lại cho rằng, số tiền 6,5 triệu đồng/điểm kinh doanh là tiền huy động đóng góp xây dựng chợ, do đó chợ Nghĩa Tân không phải chợ của Nhà nước mà là của các hộ kinh doanh. Nghĩa là các hộ kinh doanh được toàn quyền sở hữu những điểm kinh doanh mà mình đã góp tiền để xây dựng và không phải trả tiền thuê điểm kinh doanh. Và cũng từ đây, hàng loạt tiểu thương đã cố tình không thực hiện các nghĩa vụ có liên quan theo quy định của pháp luật. Cụ thể, theo thống kê của BQL chợ quận Cầu Giấy, đến thời điểm này, 166/517 điểm kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước với tổng số tiền còn nợ gần 2 tỷ đồng.

Liên quan đến những kiến nghị của các tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân, ngày 15/8/2018, thay mặt UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản đã ký ban hành Văn bản số 3756/UBND – KT về việc chấm dứt giải quyết đơn của một số hộ kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân. Theo đó, trên cơ sở báo cáo của Thanh tra TP tại Văn bản số 3138/TTTP ngày 29/6/2018, xét thấy vụ việc đã được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo đúng quy định pháp luật, không có tình tiết mới, Chủ tich UBND TP Hà Nội trả lời các tiểu thương có kiến nghị như sau: “Chủ tịch UBND TP không có ý kiến khác với nội dung đã giải thích tại Văn bản số 787/UBND – CT ngày 7/2/2014. Kể từ nay, Chủ tịch UBND TP không tiếp nhận, giải quyết đơn thư của công dân liên quan đến nội dung trên”.

Chợ Nghĩa Tân thuộc sở hữu Nhà nước

Xung quanh vấn đề nêu trên, các tiểu thương chợ Nghĩa Tân đã nhiều lần gửi đơn thư kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền và đã có văn bản hồi đáp. Đáng chú ý, ngày 7/2/2014, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 787/UBND – CT chỉ đạo giải quyết kiến nghị của một số hộ kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Tại văn bản này, UBND TP kết luận, số tiền các hộ kinh doanh đóng góp xây dựng chợ Nghĩa Tân vào thời điểm năm 1995, năm 1996 là tiền thuê chỗ kinh doanh trả trước 5 năm. Từ năm 1996 - 2001, các hộ kinh doanh đã sử dụng chỗ kinh doanh mà không phải đóng góp tiền (trong thời hạn 5 năm) là đã được đảm bảo quyền lợi theo đúng quy định. Từ năm 1996 - 2011, các hộ kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân đã 3 lần ký hợp đồng (thời hạn 5 năm) thuê địa điểm kinh doanh với BQL chợ Nghĩa Tân, nay phải tiếp tục ký hợp đồng thuê điểm kinh doanh với BQL chợ Nghĩa Tân (nếu có nhu cầu tiếp tục kinh doanh), theo quy định về quản lý chợ.

Cũng tại văn bản này, UBND TP khẳng định, chợ Nghĩa Tân là tài sản Nhà nước, được phân hạng 2, thuộc UBND quận Cầu Giấy quản lý toàn diện. Đây cũng là nội dung được thể hiện trong Văn bản số 3183/TTTP ngày 29/6/2018 do Chánh Thanh tra TP Hà Nội Nguyễn An Huy gửi UBND TP xung quanh những kiến nghị của các hộ kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân.

Trao đổi với phóng viên, Trưởng BQL chợ quận Cầu Giấy Bùi Doãn Dũng cho biết, thực hiện yêu cầu của UBND TP Hà Nội và UBND quận Cầu Giấy, các đơn vị chức năng đang tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành các quy định của pháp luật. Đến hết ngày 31/10/2018, nếu các hộ kinh doanh cố tình không chấp hành, BQL sẽ tiến hành thu hồi lại các điểm kinh doanh theo quy định của pháp luật.