Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Moscow, ông Alexander Smirnov cho rằng, không có các sự cố hệ thống có thể khiến máy bay bị vỡ trên không. “Chỉ có một giải thích có lý là một lực kỹ thuật đã tác động lên máy bay”, ông Alexander Smirnov nói.
Đại diện hãng Kogalymavia cũng khẳng định, chiếc Airbus A321 xấu số đã vượt qua tất cả các cuộc kiểm tra cần thiết, trong đó có một cuộc kiểm tra sức bền kim loại bắt buộc được thực hiện 6 năm/lần, vào năm 2014.
Tuy nhiên, người đứng đầu Cơ quan hàng không liên bang Nga Aleksandr Neradko cho hay còn quá sớm để phỏng đoán về nguyên nhân của vụ tai nạn.
“Những bình luận này không dựa trên bất kỳ thông tin cụ thể nào cả”, ông Neradko nói trong trên truyền hình Nga.
“Cần phải nghiên cứu các mảnh vỡ của máy bay hay dữ liệu hộp đen. Các mảnh vỡ đã rơi rải rác trên một khu vực rộng, điều này chứng tỏ máy bay đã bị vỡ ở trên không nhưng việc suy đoán nguyên nhân là quá sớm”, ông Neradko nhấn mạnh.
Đã có nhiều đồn đoán xung quanh nguyên nhân gây ra thảm họa máy bay được cho la thảm khốc nhất tại Nga. Ngày 31/10, ngay trong ngày máy bay gặp nạn, một nhóm khủng bố có liên hệ với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tuyên bố bắn hạ máy bay. Tuy nhiên, giới chức Nga và Ai Cập đều bác bỏ thông tin này. Theo các chuyên gia, lực lượng đối lập không sở hữu loại vũ khí có thể bắn trúng máy bay ở độ cao trên 9.400 m.