Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

MC Diễm Quỳnh lại khiến khán giả rơi lệ sau 2 năm vắng bóng

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một trong những chương trình trọng điểm cuối năm của VTV, “Cảm ơn cuộc đời” truyền đi thông điệp tích cực về cuộc sống thông qua chọn lọc, giới thiệu những câu chuyện đẹp, nhân văn trong năm 2017.

“Cảm ơn cuộc đời” sẽ được truyền hình trực tiếp vào lúc 20 giờ 10, ngày 24/12/2017 trên kênh VTV1. Đây là chương trình đầu tiên nhà báo Diễm Quỳnh “tái xuất” khán giả sau gần hai năm vắng bóng. Chị vừa là người chịu trách nhiệm nội dung, vừa đảm nhận vai trò người dẫn chương trình.
''Cảm ơn cuộc đời'' sẽ là những câu chuyện đầy nước mắt nhưng rất nhân văn
Với tất cả những câu chuyện được ghi chép trong suốt một năm qua, “Cảm ơn cuộc đời” 2017 chọn cho mình chủ đề về tình mẫu tử. Chương trình chia sẻ cùng khán giả những câu chuyện về tình cảm của những người mẹ, người cha dành cho con của mình, và cả những nỗ lực nuôi dưỡng con trẻ, tương lai của xã hội. Bên cạnh đó, ngợi ca những thành quả tốt đẹp của 2017 trong lĩnh vực bảo vệ bà mẹ trẻ em, hướng đến một cuộc sống nhân văn, nhân ái và tươi đẹp.
Trong chương trình, lần đầu tiên, diva Hồng Nhung sẽ có dịp hội ngộ cùng nhạc sĩ khiếm thị nổi tiếng Nguyễn Thanh Bình. Hồng Nhung cho biết, chị tham gia không chỉ với tư cách của một nghệ sĩ mà còn với tư cách của một người mẹ, một người phụ nữ có tuổi thơ không mấy êm đềm.Đồng hành cùng Hồng Nhung là nhạc sĩ Nguyễn Thanh Bình. Anh là một nhạc sĩ khiếm thị đặc biệt được đánh giá cao nhất Việt Nam hiện nay.
“Cảm ơn cuộc đời” bắt đầu bằng âm nhạc, với bài hát cùng tên đã đồng hành cùng chương trình suốt từ năm 2013 đến nay. Câu chuyện của nhạc sĩ Thanh Bình, những tâm sự về chuyện đời, những khắc nghiệt của số phận và niềm tin vừa trong trẻo, vừa mãnh liệt của người nghệ sĩ trẻ buộc phải cảm nhận cuộc đời bằng cách khác với mọi người, nhưng “vẫn hân hoan chào đón những câu hát cảm ơn cuộc đời”. Có lẽ, đó là câu trả lời thuyết phục nhất về niềm tin vào những sự tốt đẹp vẫn luôn hiện hữu...
Mạch chuyện của “Cảm ơn cuộc đời” đưa người xem đến với những thước phim đẫm nước mắt về cuộc đời của cô bé Nguyễn Võ Yên Khê ở làng Mun, xã IaLy, huyện Chư Pah (Gia Lai). Khi vừa mới lọt lòng, em đã bị mẹ bỏ rơi trong một chiếc giếng cạn. Mẹ em là một phụ nữ dân tộc thiểu số. Hoảng sợ vì sinh con ra khi chưa có chồng, mẹ em đã khước từ quyền làm mẹ của mình.
Yên Khê đã được một gia đình hiếm muộn ở cùng xã nhận nuôi, được đặt tên với ý nghĩa là em sẽ có một cuộc sống thanh bình như dòng suối nhỏ. 2 năm trước, ê-kip chương trình “Cảm ơn cuộc đời” đã cùng người cha nuôi đưa em đến bệnh viện trong trạng thái vết thương khắp cơ thể. 2 năm sau gặp lại, Yên Khê giờ đã trở thành một cô bé lanh lợi. Tại “Cảm ơn cuộc đời” năm nay, một lần nữa khán giả có dịp gặp gỡ người mẹ nuôi của Yên Khê cùng hành trình nuôi nấng, đồng hành cùng em đi qua những cơn bạo bệnh.
Nam Trà My, Quảng Nam trở thành một điểm cầu đặc biệt trong chương trình “Cảm ơn cuộc đời” năm nay khi mà những ám ảnh kinh hoàng về sự tàn phá khủng khiếp của thiên tai vẫn còn ẩn hiện. Vợ chồng anh Ngọ có đứa con gái đầu 3 tuổi. Nhà neo người, vợ chồng anh mới sinh thêm bé gái mới được 3 tháng tuổi. Hôm ấy, đất đá đổ lăn xuống đúng vào nhà anh Ngọ, 4 con người nhỏ bé chạy không kịp với sức đổ ào ào của núi, bị vùi lấp lại. “Tôi thấy họ bới bới đất ở trước mũi con bé 3 tuổi để nó thở, rồi họ hất đất đá đè lên người, kéo nó ra. Nó bị thương khắp người, máu chảy bê bết. Một người ẵm nó chạy khỏi mớ đất đá đang lăn loạn xạ, đầu bê bết máu”, một phóng viên kể lại.
“Họ bỏ mẹ con cô Vệ trong võng, cõng chạy, máu nhỏ thành giọt trên đường. Đến gần trạm xá, chiếc võng rách toạc, cả mẹ cả con rơi huỵch xuống đường. Một lát sau, họ lại cõng ngược về, hỏi ra thì cả 2 mẹ con đều đã tắt thở…”.
Nhưng “Cảm ơn cuộc đời” không chỉ là câu chuyện của những người cha, người mẹ trong hành trình nuôi dưỡng những mầm sống cho đời mà còn kể lại cả chặng đường gian nan ở thời điểm bắt đầu của những cặp vợ chồng hiếm muộn.
Những căn phòng trọ vỏn vẹn chỉ hơn 10m2 nhưng là nơi ở của tới mấy cặp vợ chồng. Không hẹn mà gặp, những con người ở khắp mọi miền đất nước về con hẻm nhỏ bên hông bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh, và lập thành “xóm hiếm muộn”. Dù cuộc sống sống cực khổ, thiếu thốn về vật chất, và lòng thì lúc nào cũng thấp thỏm không yên, nhưng họ vẫn kiên trì bám trụ nơi đây từng ngày, ước mơ và mong chờ những điều kỳ diệu.