Kinhtedothi- Đường phố vắng lặng, nhiều nơi không một bóng người- đó là những hình ảnh báo Kinh tế & Đô thị ghi nhận được tại các địa phương ở miền Tây Nam bộ sáng nay, 19/7.
Trung tâm TP Cần Thơ vắng tanh.
Các đội kiểm soát lưu động tại TP Cần Thơ đã được triển khai trước đó tiếp tục hoạt động. Người dân khi được kiểm tra phải xuất trình được giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 hoặc có lý do chính đáng để ra đường.
Điểm bán gạo bình ổn cũng vắng người mua.
Trước đó vào ngày 17/7, căn cứ đề nghị của Bộ trưởng Y tế và ý kiến thống nhất của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16, đối với: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai (đã thực hiện); bổ sung TP Cần Thơ và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang. Thời gian thực hiện giãn là 14 ngày. Bắt đầu từ 0 giờ ngày 19/7.
Theo đó, tối ngày 18/7, UBND TP Cần Thơ cũng đã ban hành văn bản về việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên phạm vi 6 quận huyện còn lại gồm: Ô Môn, Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Phong Điền và Vĩnh Thạnh bắt đầu từ 0 giờ ngày 19/7 – 2/8. Đồng thời, kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với quận Ninh Kiều, Cái Răng và Bình Thuỷ đến 0 giờ ngày 2/8.
Khu vực Bến Ninh Kiều không một bóng người khi có lệnh giãn cách xã hội.
Đường Hoà Bình - Một trong những con đường sầm uất bậc nhất trung tâm thành phố giờ trở nên thưa thớt xe cộ qua lại.
Trong thời gian thực hiện giãn cách, UBND TP Cần Thơ yêu cầu người dân chỉ ra đường khi thật sự cần thiết như mua lương thực, khám chữa bệnh. Cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu; ngân hàng, bổ trợ doanh nghiệp như: Công chứng, luật sư, bưu chính, viễn thông,… hoạt động nhưng phải tuân thủ các biện pháp an toàn phòng, chống dịch. Cửa hàng ăn uống chỉ được bán mang đi; tạm dừng hoạt động các chợ đầu mối, chợ truyền thống, chợ dân sinh,… chuyển đổi phương thức mua bán, cung cấp thực phẩm, hàng hoá thiết yếu theo hình thức phân tán, lưu động.
Chợ Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp chỉ bán thời gian ngắn sáng sớm với các mặt hàng rau củ, thịt cá rồi dọn sớm.
Hàng quán ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đóng cửa phòng chống dịch.
Trạm thu phí cầu Rạch Miễu ở Bến Tre vắng xe qua.
Chợ vẫn hoạt động nhưng vắng vẻ khác thường.
Người dân Bến Tre ra đường chấp hành nghiêm quy định.
Đường phố ở Sóc Trăng.
Tại TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), người dân được phát phiếu đi chợ. Gia đình nhận phiếu màu vàng sẽ có 7 lần đi chợ vào các ngày lẻ, từ 19-31/7; phiếu màu xanh sẽ có 6 lần trong những ngày chẵn và ngày 1/8.
Tương tự, ở Hậu Giang, mỗi hộ có 5 phiếu đi chợ theo ngày chẵn/lẻ. Ảnh: HT
Chợ Phường IV, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
Tiền Giang là nơi trung chuyển hàng hóa từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây và ngược lại. Theo Sở GTVT Tiền Giang, việc vận chuyển hàng hóa theo lộ trình trên sẽ được thực hiện bằng tàu cao tốc. Hàng hóa được vận chuyển sẽ là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm; vật tư thiết bị y tế từ các tỉnh miền Tây đến TP Hồ Chí Minh và ngược lại.
Trung tâm Thương mại Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Chuyến sáng nay tại bến phà Giải Phóng 9 ở Kiên Giang.
Đường Trần Hưng Đạo, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Lãnh đạo thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đi kiểm tra, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm việc thực hiện Chỉ thị 16.