Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Miền Trung gồng mình trong mưa lũ

Quang Hải - Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đợt mưa lũ lịch sử đã gây thiệt hại nặng nề về người và của đối với các tỉnh miền Trung. Hai ngày qua, nước rút, các địa phương đang gồng mình khắc phục hậu quả do mưa lũ để lại.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân trong đoàn cán bộ gặp nạn ở Tiểu khu 67.
Nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân
Thừa Thiên Huế là địa phương chịu hậu quả nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua. Toàn tỉnh có 84.963 ngôi nhà bị ngập lụt (trong đó TP Huế 2.560 ngôi thị xã Hương Trà 19.090 ngôi, thị xã Hương Thủy 6.409 ngôi). Theo báo cáo nhanh của các địa phương, đến nay toàn tỉnh có 332 ha hoa màu, 150 ha sắn, 1 ha cây ăn quả, 10 ha đất trồng hoa và 10.000 chậu hoa các loại bị thiệt hại.

Trong hai ngày qua, mưa ngớt và nước các sông rút dần. Chính quyền các huyện, thị xã và TP ở Thừa Thiên Huế đã phát động toàn dân tổng vệ sinh môi trường theo phương châm “nước xuống đến đâu làm vệ sinh đến đó”. Những đoạn đường ngập bùn sâu, dùng xe gạt gom lại để vận chuyển đi nơi khác. Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã và TP Huế chỉ đạo dọn vệ sinh trường lớp để học sinh đi học trở lại bình thường.

Ngày 15/10, công tác tìm kiếm các nạn nhân trong vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) được khẩn trương triển khai.

Trong sáng 15/10, 311 người bao gồm các lực lượng của Quân khu IV, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân, Bộ GTVT, Công an tỉnh, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Sở GTVT và một số cơ quan chuyên môn khác được huy động tổ chức các phương án cứu hộ, cứu nạn vụ sạt Rào Trăng 3. Lực lượng, phương tiện tập trung đến địa điểm tìm kiếm tại Tiểu khu 67; tổ chức trinh sát đường không, đường thủy, tìm kiếm cứu nạn tại Tiểu khu 67 và thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4. Các mũi của đoàn cứu hộ khẩn trương khôi phục tuyến đường 71 vào Tiểu khu 67 và thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4; vận chuyển lương thực bằng đường không, đường thủy vào các khu vực bị cô lập.

Tính đến 17 giờ ngày 15/10, Sở chỉ huy tiền phương Quân khu 4 đã tìm thấy 9 thi thể trong đoàn cán bộ công tác gặp nạn hôm 12/10 trong quá trình đi cứu nạn vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3. Cùng với đó, lực lượng chức năng đã khoanh vùng vị trí trọng điểm để tiếp tục mở rộng khu vực tìm kiếm, nỗ lực tranh thủ từng giờ, từng phút, chạy đua với thời gian tìm kiếm các nạn nhân tại vị trí nhà kiểm lâm ở Tiểu khu 67. Các đơn vị cũng đồng thời tiếp tục thông tuyến đến khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3. Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, đến 19 giờ 30 cùng ngày, toàn bộ 13 thi thể cán bộ, chiến sĩ gặp nạn đã được tìm thấy. Trong đó có Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Văn Man; Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình và Trưởng phòng Thông tin - Tuyên truyền Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế Phạm Văn Hướng... Nhiều xe cứu thương chở thi thể các nạn nhân rời khu vực thủy điện di chuyển thẳng vào Bệnh viện Quân y 268 (tại TP Huế).

Hiện mũi thi công ở đường 71 đang tập trung để ngày hôm nay thực hiện được mục tiêu thông đến thủy điện Rào Trăng 3.
Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tế lương thực cho người dân trong vùng bão lụt. Ảnh: Quang Hải
Thiệt hại nặng nề

Tình hình mưa lũ ở miền Trung đang diễn biến hết sức phức tạp, mức độ thiệt hại cách xa so với dự báo ban đầu. Lũ lớn xảy ra trên 14 tuyến sông chính, trong đó 10 tuyến sông ở mức báo động 3 (BĐ3) đến trên BĐ3 1,9m tại 5 tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Đặc biệt, lũ trên sông Bồ, Thừa Thiên Huế và sông Hiếu, sông Ô Lâu, tỉnh Quảng Trị đã vượt mực nước lũ lịch sử. Hiện nay, mực nước các sông của tỉnh Thừa Thiên Huế xuống dưới mức BĐ2, các sông khác từ Quảng Bình đến Quảng Nam ở mức BĐ1.

Thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ là không hề nhỏ. Tính tới thời điểm này, đã có 40 người thiệt mạng, 8 người mất tích. Về nhà ở có 585 nhà bị sập đổ, hư hỏng; 135.731 nhà bị ngập. Về giao thông, 137 điểm Quốc lộ, 14.737m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng; tuyến đường sắt Hà Nội - Đông Hà bị chia cắt đến ngày 14/10 mới thông tuyến. Về nông nghiệp, 870ha lúa, 5.314ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 3.588ha thủy sản bị thiệt hại; 332.350 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Mưa lũ cũng làm 6 tàu vận tải/57 người bị sự cố tại tỉnh Quảng Trị. Trong đó đã cứu vớt được 50 người, 7 người bị chết, mất tích; 4 tàu cá/17 người bị chìm, các thuyền viên được cứu vớt an toàn.

Tập trung công tác cứu trợ

Tại tỉnh Quảng Trị, từ ngày 6 - 14/10, do mưa lớn trên diện rộng nên lũ trên các sông lên rất nhanh gây ngập lụt sâu tại nhiều địa phương. Đặc biệt đã xuất hiện đỉnh lũ vượt lũ lịch sử trên lưu vực sông Hiếu năm 1983, đỉnh lũ trên sông Ô Lâu đã vượt đỉnh lũ năm 2009. Trên địa bàn Quảng Trị có 40.988 hộ với 125.463 người bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, ngập lụt; trong đó đã triển khai sơ tán 8.261 hộ với 25.332 người đến các khu vực an toàn. Đã có 12 người chết, 3 người chưa tìm ra tung tích, 4 người bị thương. Có 78 nhà ở bị thiệt hại. Nhiều trường học bị nước vào ngập sâu tại các phòng chức năng, phòng học… Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Trị đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ trong những ngày qua, trong đó tập trung cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại; cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị thiếu đói, hộ còn bị ngập, cô lập, chia cắt, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, hộ nghèo, gia đình chính sách, không để người dân bị đói, khát.

Tại Quảng Nam, hầu hết tất cả địa bàn 18 huyện, thị xã và TP đều bị thiệt hại do mưa lũ. Ngay khi nước bắt đầu rút, chính quyền các địa phương cùng với sở, ban ngành, hội, đoàn thể huy động mọi lực lượng tiến hành khắc phục thiệt hại nhưng hậu quả. Đặc biệt, tại các khu vực bị thiệt hại nặng như Tây Giang, Núi Thành, Đại Lộc…, nhiều công trình công cộng, đường giao thông bị hư hỏng chưa kịp sửa chữa. Sau nhiều ngày sống chung với lũ do mưa lớn kéo dài, ngày 15/10, người dân TP Hội An đã dần trở lại với cuộc sống thường nhật khi nước rút. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Đà Nẵng cho biết, đến nay toàn bộ 901 hộ dân (3.036 người) ở các nơi sơ tán đã trở về nhà để dọn vệ sinh, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Tối 15/10, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại khu vực tiểu khu 67 và thủy điện Rào Trăng 3 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. 
Chia sẻ với những khó khăn, đau thương, mất mát, của những gia đình có người bị mất tích, gia đình người bị tử nạn do thiên tai, nhất là gia đình những người đang bị mất liên lạc, bị nạn do sạt lở đất, Công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương xác định danh tính người bị nạn; tổ chức, thực hiện tốt việc thăm hỏi, động viên và thực hiện chế độ chính sách tốt nhất đối với cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ và hậu phương gia đình, thân nhân của các cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ đã hy sinh và các công nhân bị tử nạn, đồng thời chuẩn bị các phương án tổ chức Lễ tang đảm bảo trang trọng, chu đáo.

Các Bộ: Quốc phòng, GTVT, Y tế, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo các lực lượng khẩn trương tìm kiếm các công nhân còn đang mất tích, khẩn trương đưa những người đang bị mắc kẹt do địa hình bị chia cắt ra khỏi nơi nguy hiểm, kịp thời đảm bảo lương thực, thực phẩm, thuốc men, cứu chữa những người bị thương và thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh môi trường; bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện của lực lượng tìm kiếm cứu nạn...