Thực ra, việc trọng tài mắc sai lầm trong điều khiển trận đấu là điều khó tránh khỏi. Và cũng không nên quan niệm rằng, đã mắc lỗi nhận định thì trọng tài không được phép tôn vinh. Đánh giá về trọng tài thì phải nhìn cả một quá trình điều hành trong cả một mùa giải. Nhưng quan trọng hơn, cần có con mắt bao dung khi nhìn về đội ngũ cầm còi. Có lẽ vì quan niệm này mà Ban trọng tài VFF mới quyết định đưa hai trọng tài Hoàng Anh Tuấn và Phạm Hoàng Công Khanh vào danh sách đề cử. Một trọng tài tiếng là bị kỷ luật vì thổi phạt 11m sai, người còn lại thì bị đội Thanh Hóa "từ mặt". Phản ứng của dư luận về giới cầm còi là khó tránh khỏi. Nhưng, có một điều, để bảo vệ hình ảnh của các trọng tài thì đòi hỏi các cơ quan quản lý phải thật sự sòng phẳng và công khai. Một trọng tài có thể sai và bị kỷ luật. Nhưng không nên vì quy định "im lặng" mà giấu kín để rồi xảy ra tình trạng, dư luận nói có kỷ luật nhưng Ban trọng tài lại khẳng định không. Công khai những ưu, nhược điểm của trọng tài là cách tốt nhất để bảo vệ và giúp các ông “Vua sân cỏ” phải hoàn thiện chính mình. Và cũng vì cái tiêu chí công khai mà dư luận đòi hỏi, phải sớm đưa ra kết luận nhận tiền bồi dưỡng ở vòng 3 V-League. Dư luận đã nói rất nhiều về nghi án nhận 100 triệu đồng bồi dưỡng trái quy định. Ban trọng tài bảo có nhận tiền, thậm chí, hai quan chức đã bị kỷ luật nhưng đối tượng nghi vấn lại một mực phủ nhận. Vậy thì, kết luận thực tế thế nào, có hay không có việc nhận tiền cần sớm được BTC giải công khai để dư luận có được cái nhìn đúng về một khoảng rất thật trong đội ngũ trọng tài. Vậy mới nói, minh bạch chính là cách tốt nhất để tôn vinh các ông “Vua sân cỏ”.