Thế nhưng gần đây, trên phương tiện thông tin đại chúng lại xuất hiện rất nhiều thông tin trái chiều, những tranh cãi về hoạt động thiện nguyện của một số người nổi tiếng, hay tổ chức, cá nhân. Giữa vô vàn thông tin trái chiều, đôi lúc chúng ta buộc phải hoài nghi về sự tử tế giữa người với người, trong những tháng ngày khó khăn, bộn bề. Đại dịch không chỉ tạo ra khủng hoảng về kinh tế, hao mòn về sức khỏe tinh thần, mà điều đang âm ỉ tạo nên những ảnh hưởng không nhỏ không thể đếm được, đó là khủng hoảng niềm tin.
Hoạt động gây quỹ, cứu trợ không dễ dàng
Trước tình hình đó, tọa đàm “Nơi niềm tin bắt đầu” được tổ chức để chia sẻ những góc nhìn của 4 nhóm thiện nguyện đến từ Việt Nam, Mỹ, Canada đã có những hoạt động tích cực, không ngừng nghỉ đóng góp cho cộng đồng thời gian qua. Chương trình được tổ chức bởi S-World, nhà sản xuất Talkshow Nguy Cơ và hỗ trợ bởi tổ chức Vietsuccess. Với mục tiêu lan tỏa tinh thần thiện nguyện trong cộng đồng của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, đồng thời truyền tải thông điệp “giữ lửa niềm tin” giữa tâm bão dư luận.
Tọa đàm đã thu hút hơn 2.300 người tham gia trực tiếp cùng rất nhiều câu hỏi, tranh luận, từ đó có thể thấy chủ đề ‘minh bạch từ thiện' vẫn còn đang rất nóng.
Tọa đàm “Nơi niềm tin bắt đầu” được tổ chức để chia sẻ những góc nhìn của 4 nhóm thiện nguyện đến từ Việt Nam, Mỹ, Canada đã có những hoạt động tích cực, không ngừng nghỉ đóng góp cho cộng đồng thời gian qua. |
Mở đầu câu chuyện kết nối là chị Tiffany Quỳnh Trần (hiện sinh sống tại Canada) - thành viên sáng lập Stay Strong Saigon, chia sẻ, trong hai tháng đầu từ lúc thành lập, nhóm chỉ tổ chức hoạt đồng ở quy mô nhỏ lẻ và kêu gọi hỗ trợ ở trang cá nhân. Sau khi nhận được nhiều sự cổ vũ cũng như chung tay góp sức từ bạn bè, nhóm đã có động lực mở rộng chiến dịch giúp đỡ y bác sĩ tuyến đầu và những người dân khó khăn trong vùng bị cách ly, nhóm bắt đầu từ việc thu thập và kiểm chứng thông tin từ những bệnh viện dã chiến, khu cách ly để lên kế hoạch gây quỹ giúp giải quyết các yêu cầu hỗ trợ.
“Qua nhiều đợt dịch, quá trình hỗ trợ đã phải vượt qua nhiều rào cản, trong đợt dịch lần này, do số lượng ca bệnh nặng tăng cao, việc kết nối các y bác sĩ tuyến đầu đến các bệnh viện, bệnh nhân cần họ trở nên khó khăn do cơ sở y tế đang quá tải. Có giai đoạn nhóm phải trực chiến bên điện thoại 1, 2 giờ đêm trao đổi với các y bác sĩ vì chỉ có lúc đó mới gặp được họ. Lúc này, mọi người làm việc gần như 24/7 để có thể xác minh thông tin và kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình đang thiếu lương thực, thực phẩm ở những vùng cách ly” - chị Tiffany chia sẻ thêm.
Cũng như Stay Strong Saigon, nhóm Chung tay vì Việt Nam được thành lập bởi những trí thức người Việt ở Mỹ. Chị Hằng Vũ, thành viên nhóm cho hay, bắt đầu từ hoạt động viện trợ thiết bị y tế và nhu yếu phẩm cho người dân nằm trong tâm dịch của Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, nhóm mở rộng quy mô và sự đa dạng chiến dịch nhờ sự ủng hộ từ người dân trong cũng như ngoài nước”.
Chia sẻ thêm về quá trình xây dựng niềm tin để kết nối cộng đồng người Việt dù ở đâu trên thế giới, chị Hằng Vũ nói: “Quá trình kết nối tấm lòng là cả một con đường dài, nhưng dần dần thông qua những đóng góp dù nhỏ bé, cũng đã chạm đến được nhiều trái tim. Thành quả của nhóm đã tạo được lòng tin, từ đó nhận được nhiều đóng góp từ cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ và các nước khác. Đáng nhớ nhất với mình là ở chiến dịch “10.000 liều vaccine”, nhóm có tổ chức một chương trình thi tài năng cho trẻ em trên khắp mọi nơi trên thế giới. Có nhiều em tham gia dự thi gây quỹ, gửi tranh đấu giá và tiết kiệm những khoản tiền nhỏ để có thể đóng góp, chứng minh rằng tấm lòng thật sự không hề phân biệt tuổi tác và cả địa lý”.
Nhóm Chung tay vì Việt Nam được thành lập bởi những trí thức người Việt ở Mỹ. Bắt đầu từ hoạt động viện trợ thiết bị y tế và nhu yếu phẩm cho người dân nằm trong tâm dịch của Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, nhóm mở rộng quy mô và sự đa dạng chiến dịch nhờ sự ủng hộ từ người dân trong cũng như ngoài nước. |
Chỉ sau một thời gian ngắn nỗ lực, chương trình gây quỹ của nhóm Chung tay vì Việt Nam đã nhận được sự đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ và nhiều nước khác với số tiền hơn 100.000 USD, đã gây quỹ được “80.000 khẩu trang cho Sài Gòn”. Trước đó, nhóm Chung tay vì Việt Nam đã chuyển 16.560 khẩu trang N95 loại 3M 8210 về TP Hồ Chí Minh, góp phần bảo vệ lực lượng y tế tuyến đầu tại TP trong cuộc chiến chống Covid-19.
Làm việc từ xa, nhất là hoạt động tổ chức gây quỹ và cứu trợ là không hề dễ dàng. Công nghệ chính là thứ giúp các nhóm vượt qua trở ngại về địa lý. TS Vũ Duy Thức - đại diện gây quỹ Stay Strong Saigon, chia sẻ: “Khi mọi người cùng một chí hướng giúp đỡ cộng đồng, thì rất dễ dàng kết nối. Với các thành viên ở nhiều đất nước và múi giờ khác nhau, chúng tôi chia nhiệm vụ gây quỹ cũng như hỗ trợ trực tiếp hợp lý. Về tương lai, nhiều công ty startup ở Việt Nam cũng như các quỹ đầu tư mạo hiểm đang chung tay cùng chúng tôi tạo nên một dự án mới, hiện đã huy động được 100.000 USD. Chúng tôi mong là khi dự án được bắt đầu sẽ có thể mở rộng quy mô mạng lưới hỗ trợ”.
Trong khi đó, nhiều người cho rằng, các hoạt động từ thiện đều xuất phát từ trái tim của người muốn giúp người, nhưng những nhóm đang hoạt động hầu như đều là tổ chức nhỏ, chưa có hệ thống và kết nối mạnh mẽ như các tổ chức từ thiện nước ngoài. Nhưng cả hai nhóm Stay Strong Saigon và Chung tay vì Việt Nam đều cho rằng, sự hợp tác giữa các nhóm sẽ chính là bước phát triển cần thiết cho hoạt động thiện nguyện kể cả trong và sau đại dịch. Điều này chỉ có thể thực hiện khi có sự tin tưởng và kết nối để chia sẻ nguồn lực và tối ưu hóa cơ sở dữ liệu, từ đó có thể tránh được nhiều rủi ro cũng như có thể mang sự hỗ trợ đến nhiều người nhất.
Khủng hoảng niềm tin đến từ “minh bạch" không rõ ràng
Thạc sĩ Phương Linh Bryant - người sáng lập nhóm Oxy Sài Gòn cho rằng, để có sự minh bạch trong hoạt động từ thiện là không khó nhờ sự bài bản trong quy trình công khai tài chính cũng như ghi chép thông tin nhận-cho. Đặc biệt, khi các dịch vụ của ngân hàng hay công nghệ ngày càng rõ ràng, nhanh chóng và tiện lợi. Bắt đầu từ hoạt động từ thiện cá nhân, dùng chính tiền túi để cung cấp bình oxy cho người dân bị F0 cần sự giúp đỡ, nhóm dần mở rộng và tiến tới hoạt động quyên góp cộng đồng. Trải nghiệm từ vai trò của một mạnh thường quân đến người tổ chức từ thiện đã cho chị cái nhìn bao quát và sự thấu hiểu các bên trong hoạt động thiện nguyện.
Sau khi nhận được nhiều sự cổ vũ cũng như chung tay góp sức từ bạn bè, nhóm Stay Strong Saigon đã có động lực mở rộng chiến dịch giúp đỡ y bác sĩ tuyến đầu và những người dân khó khăn trong vùng bị cách ly, nhóm bắt đầu từ việc thu thập và kiểm chứng thông tin từ những bệnh viện dã chiến, khu cách ly để lên kế hoạch gây quỹ giúp giải quyết các yêu cầu hỗ trợ. |
Trong bối cảnh mạng xã hội đầy rẫy những tin tức tiêu cực về hoạt động từ thiện, nhóm đã có nhiều nỗ lực để công khai thu chi cũng như các tài liệu khác để ai cũng có thể dễ dàng đối chiếu thông tin và rà soát tính xác thực, giúp củng cố lòng tin của mạnh thường quân vào hoạt động của nhóm. Theo chị Linh, nếu các nhóm muốn bền vững và chuyên nghiệp, có lẽ cần xây mô hình như quốc tế. Trong đó, để đảm bảo cuộc sống cho tình nguyện viên, họ cũng cần có mức hỗ trợ tài chính xứng đáng, để có thể yên tâm làm thiện nguyện. Loại chi phí hoạt động này cũng cần được công khai rõ ràng.
Đồng quan điểm, TS Lê Tuấn từ nhóm Nhịp thở quê hương chia sẻ: “Tôi làm từ thiện đã hơn 20 năm, hiểu rõ tầm quan trọng của sự minh bạch. Dùng tiền của mình đã phải rõ ràng, dùng tiền của cộng đồng, huy động đại chúng thì càng phải cực kỳ minh bạch. Ngay từ lúc khởi động, chúng tôi đã chuẩn bị tài nguyên để có thể công khai mọi thông tin theo thời gian thực, đảm bảo tính minh bạch của 3 khâu: Huy động tiền, sử dụng nguồn tiền huy động được và báo cáo các hoạt động”.
TS Lê Tuấn cũng thông tin, nhóm sử dụng sức mạnh của công nghệ và mạng xã hội để thông báo tài chính đến mạnh thường quân. Tất cả các hoạt động thu/chi được công khai theo thời gian thực trên website của nhóm. Đồng thời báo cáo các đợt trao tặng máy thở và các thiết bị y tế đều được đăng công khai, cập nhật trên mạng xã hội, với đầy đủ chi tiết về thông tin, xuất xứ máy và đơn vị trao tặng. Nhờ quy trình chi tiết và rõ ràng nên nhóm gặp phải câu hỏi về minh bạch từ người đóng góp.
Vấn đề minh bạch không chỉ nằm ở tiền bạc, mà còn là chất lượng của sản phẩm được quyên góp. Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Tường Vy - người phụ trách gây quỹ của nhóm Chung tay vì Việt Nam cho hay, để tạo được niềm tin, nhóm công khai báo cáo tài chính từ khâu gây quỹ trên các trang cộng đồng, đến khâu mua hàng, xuất xứ sản phẩm và hướng dẫn các bác sĩ kiểm tra chất lượng khẩu trang. Với phương châm “3 thật” (chuyển thật, kiểm thật, nhận thật), nhóm Chung tay Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ từ các cá nhân cũng như tổ chức khắp nơi trên thế giới. Từ mục tiêu 20 nghìn khẩu trang cho y bác sĩ, nhóm đã cán mốc 100 nghìn khẩu trang dành tặng cho Sài Gòn chống dịch.
Hợp sức với Chung tay vì Việt Nam trong chiến dịch này chính là nhóm Stay Strong Saigon. Chị Tiffany Quỳnh Trần khẳng định rằng, những áp lực về minh bạch sẽ không gây khó khăn nếu có quy trình rõ ràng ngay từ ngày đầu. Trong số tiền và hiện vật huy động được gần 2 tỷ đồng, cho dù phần đóng góp rất nhỏ đều được công khai chi tiết.
Chia sẻ góc tối trong quá trình thu mua vật dụng y tế để hỗ trợ y bác sĩ, chị Tiffany Quỳnh Trần cho hay: “Vào thời điểm bùng dịch căng thẳng, nhóm mình đã vô cùng bức xúc khi có những cá nhân và tổ chức lợi dụng nhu cầu y tế để kinh doanh khẩu trang N95 giả. Trong khâu thu mua và kiểm tra chất lượng cũng như giao vật phẩm, nhóm đã phải vượt nhiều rào cản để có thể mang khẩu trang đến tay người cần. Sau nhiều tháng ròng rã, nhìn lại khoản thời gian đầy khó khăn, nhóm rất hạnh phúc vì đã có thể đạt được mục tiêu từ ngày đầu: giúp được càng nhiều người càng tốt”.
“Giữ lửa" niềm tin giữa tâm bão tiêu cực
Quá trình tạo niềm tin bền vững cần thời gian dài và sự tâm huyết rất lớn. Anh Thức Vũ đưa ra ba yếu tố để tạo niềm tin cho cả bên cho lẫn nhận. Trong khi đó, Thạc sĩ Đoàn Thị Minh Trang - nhóm Chung tay Việt Nam cho rằng, niềm tin giữa các nhóm thiện nguyện với nhau vô cùng quan trọng. Sự kết nối thông tin và nguồn lực sẽ giúp tối ưu hóa hoạt động, giảm rủi ro và không có trường hợp trùng hợp trùng lặp hay bỏ sót. “Cách tạo niềm tin giữa các tổ chức chính là chọn đúng người đồng hành để cùng hoạt động. Nhóm càng chuyên nghiệp, vòng tròn thiện nguyện càng rộng thì sẽ càng giúp được nhiều người với ít sai sót nhất” - chị Trang chia sẻ:
Những thành quả các nhóm đã đạt được sẽ là minh chứng quan trọng nhất để xây dựng uy tín của các nhóm nói riêng cũng như củng cố niềm tin trong cộng đồng về hoạt động thiện nguyện nói chung. Chị Hằng Vũ chia sẻ: “Chính sự tin tưởng và đóng góp không chỉ đến từ người dân Việt trong nước, cộng đồng người Việt xa xứ và cả người nước ngoài, là động lực giữ lửa mỗi ngày cho các thành viên”.
Trả lời trước vấn đề “Niềm tin bắt đầu từ đâu?”, chị Trang Đoàn chia sẻ: “Niềm tin của tôi nhiều lúc cũng lung lay, khi nhìn thấy được một số những điều bất cập trong cuộc sống. Nhưng những lúc đó, tôi cảm nhận được sự quan trọng của người đồng hành. Khoảnh khắc thấy được những thành quả sau mỗi lần làm việc chung với các anh chị, tôi nghĩ rằng, niềm tin của mình bắt đầu từ chính những giây phút này và ở chính bản thân mình”.
Đồng quan điểm, nhiều khách mời cho rằng, niềm tin của họ xuất phát từ “niềm tin bắt đầu từ lòng tốt của chính mình”. Niềm tin vào sự tốt đẹp mang đến từ nỗ lực của chính bản thân và cộng đồng sẽ giúp xã hội có động lực đi tiếp giữa những đau thương đang bủa vây. Niềm tin sẽ không thể xây dựng từ một thứ, mà sẽ là một vòng tròn ảnh hưởng lẫn nhau. Quả thật, một bàn tay không làm nên tất cả. Sự cộng hưởng và hòa hợp giữa các yếu tố kết nối nguồn lực - minh bạch thông tin - lòng thành thiện nguyện sẽ chính là xuất phát điểm, là nơi niềm tin bắt đầu.