Vẫn đang nghiên cứu
Liên quan đến đề xuất mở thêm các tuyến xe khách liên tỉnh (XKLT) sau 0 giờ, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà cho biết: “Hiện Sở mới đang nghiên cứu chứ chưa có dự thảo chi tiết”. Ông Hà cũng cho hay, hoạt động của xe khách vào ban đêm là bình thường; hiện đang có tới 980 tuyến xuất bến tại Hà Nội từ sau 19 giờ đến trước 6 giờ sáng hôm sau.
Sở GTVT đang nghiên cứu theo phương án mở rộng, kéo dài thời gian phục vụ của bến xe. Qua đó tăng khả năng tiếp nhận thêm các đầu xe trong khung giờ kéo dài này, góp phần kéo giãn mật độ người dân và phương tiện, hành khách ra khỏi khung giờ cao điểm, giảm UTGT trên địa bàn Hà Nội.
Vị lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định, việc mở rộng thời gian phục vụ của các bến xe, chấp nhận thêm tuyến XKLT phải đáp ứng 5 yêu cầu. Thứ nhất, không làm tăng thêm áp lực giao thông trên địa bàn TP vào khung giờ cao điểm, từ 6 - 19 giờ. Thứ hai, DN phải cam kết, khi đăng ký hoạt động trong khung giờ đêm này thì phải đảm bảo duy trì phương án hoạt động, không được chuyển sang xuất bến vào các khung giờ cao điểm, gây ảnh hưởng đến các DN khác. Thứ ba, hoạt động của DN không gây ảnh hưởng đến các nhà xe hiện nay; các tuyến xe mới chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng mới. Thứ tư, các bến xe phải đáp ứng yêu cầu của quy định hiện hành và đảm bảo trật tự, an toàn cho người dân, hành khách. Thứ năm, phải có sự đồng thuận của người dân, DN, các cơ quan liên ngành thì Sở mới trình UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT xem xét, phê duyệt.
Ông Vũ Hà thông tin thêm: “Các bến xe hiện nay đang được bố trí tiếp nhận XKLT theo hướng tuyến Đông - Tây - Nam - Bắc. Nếu chúng ta duy trì phương án hướng tuyến như vậy, việc mở rộng chỉ tăng thêm lượng đầu xe xuất bến phục vụ trên các tuyến hiện có mà thôi”. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, kiến giải này còn cần phải xem xét kỹ lưỡng qua thực tế.
Thiếu khách, không thiếu xe
Thời gian qua, hoạt động kinh doanh của nhiều tuyến XKLT trên địa bàn Hà Nội gặp vô vàn khó khăn, có thời điểm, DN phải cắt bỏ hàng trăm tuyến để tránh thua lỗ nặng hơn. Việc mở thêm các tuyến XKLT chạy đêm được nhiều chuyên gia cũng như DN cho rằng chưa phải là giải pháp thiết thực.
Đại diện một DN vận tải tại Hà Nội (xin giấu tên) chia sẻ: “Trong tình hình khó khăn, vận tải khách lao đao như hiện nay, việc mở thêm các tuyến XKLT sau 0 giờ chưa chắc đã là giải pháp hiệu quả”. Vị này lý giải, thời gian qua XKLT phải vật lộn với sự sụt giảm lượng khách trên hầu khắp các tuyến. Thực trạng chung ở tất cả các bến xe là thiếu khách chứ không thiếu xe, nếu mở thêm tuyến nữa, lượng khách bị dàn mỏng hơn sẽ khiến DN tiến gần hơn đến bờ vực phá sản.
Thực tế là trong khoảng 3 năm trở lại đây, sản lượng vận tải của XKLT sụt giảm liên tục. Nguyên nhân quan trọng nhất là việc cung vượt quá cầu, khách ít xe nhiều. Cùng với đó là sự nở rộ của xe khách “trá hình”.
Sau đợt điều chuyển luồng tuyến XKLT quy mô lớn năm 2017, có những tuyến như: Giáp Bát đi Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa… một nốt giờ xuất bến co lại chỉ còn nửa hoặc ít hơn. Quá nhiều xe khiến cuộc cạnh tranh khốc liệt ngay trong nội tại các tuyến XKLT, cộng với tác động tiêu cực do xe khách “trá hình” gây ra, có thời điểm, hơn 500 tuyến XKLT đã phải bỏ bến, ngừng hoạt động.
Nhiều DN, Hiệp hội vận tải đã gửi đơn thư kêu cứu tập thể đến Chính phủ, Bộ GTVT và các Sở GTVT địa phương, kiến nghị có giải pháp dẹp loạn xe khách “trá hình”. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một giải pháp cụ thể cho vấn nạn này.
Trong bối cảnh đó, việc mở thêm các tuyến xe đêm chỉ khiến các DN “ngạt thở” hơn chứ chưa chắc đã đem lại hiệu quả gì. Điều các DN mong muốn nhất hiện nay là cơ quan quản lý Nhà nước có biện pháp hữu hiệu xử lý xe khách “trá hình”, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các DN.
"Trước đây, mật độ XKLT ra vào các bến dày đặc trong cao điểm nên mới có hiện tượng ùn tắc cục bộ. Hiện nay, lượng khách đã giảm hẳn, kể cả ngày Tết, ngày lễ, có bến xe khách công suất chỉ đạt 50 - 60% so với kế hoạch nên nếu có phát sinh UTGT chỉ là do xe khách cố tình “rùa bò”, lê la đón khách." - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên |