Theo đó sẽ ưu tiên nghiên cứu sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn nguyên liệu, dược liệu sẵn có tại Việt Nam để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền; vắc xin, sinh phẩm; phát triển nguồn dược liệu làm thuốc; bảo tồn nguồn gen và những loài dược liệu quý, hiếm... Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng: Hiện nay, thị trường thuốc ở Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, nước ta phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu làm thuốc và 50% thuốc để đáp ứng nhu cầu của người dân. Sản xuất thuốc trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu sử dụng thuốc (chủ yếu là thuốc generic), trong khi Việt Nam có trên 180 nhà máy sản xuất thuốc tân dược hoặc thuốc dược liệu, trong đó có trên 150 nhà máy đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt. Nguồn dược liệu ở Việt Nam rất phong phú, đa dạng, kể cả các dược liệu quý hiếm, chất lượng tốt, nhưng chúng ta chưa khai thác được thế mạnh này. Nếu Việt Nam có chính sách ưu tiên đủ mạnh cho việc nghiên cứu sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn nguyên liệu, dược liệu sẵn có để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc generic, thuốc sắp hết hạn bằng sáng chế hoặc độc quyền, kể cả vắc xin, sinh phẩm y tế thì sẽ có tính khả thi cao. Do đó, Dự Luật cần quy định cụ thể các chính sách, biện pháp để đảm bảo thực hiện mục tiêu ưu tiên trên. Ngoài ra việc quy định kiểm soát chất lượng thuốc nhập khẩu từ nơi sản xuất cũng là biện pháp gián tiếp ưu tiên để thúc đẩy ngành dược trong nước. Thực tế hiện nay hầu như Nhà nước chưa có chính sách ưu tiên đối với các DN sản xuất thuốc, từ vốn vay đến sử dụng đất và tiêu thụ sản phẩm. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo rõ về tình hình thị trường dược hiện nay. Trong khi có tiềm năng về nguyên liệu dược rất lớn thì hiện nay chúng ta toàn phải nhập khẩu, gần như mua nguyên liệu về dập thành thuốc một cách rất đơn giản, thiếu đầu tư chiều sâu cho nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến. Dự Luật cần có những quy định để mở đường cho công nghiệp thuốc nội phát triển thật sự, đừng để xảy ra tình trạng "chết trên đống dược liệu quý". Các ý kiến cũng đề nghị Dự Luật nghiên cứu bổ sung một số quy định cụ thể về ưu tiên phát triển thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu; nuôi trồng dược liệu làm thuốc, các quy định đặc thù nhằm sử dụng thuốc nam được thu hái và nuôi trồng tại Việt Nam; gìn giữ và nâng cao các bài thuốc gia truyền quý và bài thuốc do cơ sở y học cổ truyền sản xuất... Đồng thời, nên có quy định các DN có vốn đầu tư nước ngoài không được phân phối thuốc ở Việt Nam nhằm tiếp tục bảo hộ ngành dược trong nước và tránh việc các công ty nước ngoài có thể gây lũng đoạn thị trường. Đối với các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết nếu có nội dung liên quan đến vấn đề này thì sẽ thực hiện theo nội dung đã tham gia và ký kết.