Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân:

Mô hình giáo dục toàn diện

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn đề can thiệp cho trẻ tự kỷ hiện nay vẫn rất khó khăn, đòi hỏi sự can thiệp đa mô thức, đa chuyên ngành. Giáo viên làm việc với trẻ tự kỷ, ngoài việc được đào tạo kỹ năng chuyên ngành còn cần có một trái tim tràn ngập tình yêu thương.

Đội ngũ cán bộ chủ chốt của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân.
Đội ngũ cán bộ chủ chốt của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân.

Những yếu tố đó được hội tụ đầy đủ tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân (số 51, Liền kề 6, Khu đô thị An Hưng, Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội).

Nơi mài giũa những “viên ngọc sáng”
Năm 2007, con thứ hai của chị Đào Thanh Hoàn chào đời. Hai năm sau, con được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tự kỷ điển hình. Kể từ đó, chị Hoàn đã dành rất nhiều thời gian, công sức cho việc chăm sóc, giáo dục con. Và chính cậu con trai tự kỷ đã khơi nguồn cho chị thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân với ước nguyện tạo cho các con mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ nói riêng, các trẻ khuyết tật nói chung có một môi trường học tập, rèn luyện kỹ năng, thực nghiệm hướng nghiệp và tạo việc làm.
Với phương châm “nhìn nhận mỗi trẻ khuyết tật như một viên ngọc trời ban”, Trung tâm Ngọc Ân là nơi mài giũa để viên ngọc ấy sáng hơn và có thể trở thành những viên ngọc quý. Mô hình hoạt động của Trung tâm Ngọc Ân là giáo dục toàn diện cho trẻ khuyết tật, bao gồm các hoạt động: Sàng lọc, đánh giá phát triển; Can thiệp sớm; Giáo dục tiền tiểu học; Hỗ trợ giáo dục hòa nhập và Thực nghiệm hướng nghiệp.
Các trẻ khuyết tật đến Trung tâm được đánh giá mức độ phát triển. Nếu trẻ trong lứa tuổi can thiệp sớm sẽ tham gia vào chương trình can thiệp sớm tại Trung tâm. Với học sinh học hòa nhập có nhu cầu hỗ trợ, có thể lựa chọn hỗ trợ tại trường hòa nhập hoặc tại Trung tâm. Hoạt động giáo dục hướng nghiệp được triển khai tại Trung tâm với một số nghề thủ công như: Làm tranh lụa, mỹ nghệ kim hoàn, làm oản nghệ thuật, thủ công sắp lễ… Thời gian qua, các sản phẩm do sức lao động của trẻ khuyết tật tại Trung tâm Ngọc Ân đã đón nhận được sự ủng hộ rất tích cực của xã hội.
“Khi biết con mắc rối loạn phổ tự kỷ và rối loạn này sẽ theo con tôi suốt cả cuộc đời; tôi rất băn khoăn và lo lắng về việc học hành cũng như cuộc sống của con khi trưởng thành. Tại Hà Nội, tôi chưa thấy một cơ sở giáo dục, trung tâm hay trường học nào có thể đảm bảo giáo dục toàn diện cho trẻ tự kỷ; có nghĩa là ở đó trẻ tự kỷ được đánh giá phát triển, được can thiệp sớm, được học tập, thực nghiệm hướng nghiệp và có thể làm một nghề để có thu nhập trong cuộc sống sau này. Chính bởi vậy, tôi đã mạnh dạn thí điểm triển khai mô hình giáo dục toàn diện cho trẻ tự kỷ tại Trung tâm Ngọc Ân. Hy vọng đây sẽ là địa chỉ phù hợp cho các trẻ tự kỷ và gia đình...” - chị Đào Thanh Hoàn - Sáng lập Trung tâm bộc bạch.
Mô hình giáo dục phù hợp với trẻ khuyết tật và trẻ tự kỷ
Trung tâm Ngọc Ân thành lập và đi vào hoạt động vào tháng 9/2020; đúng thời điểm đại dịch Covid- 19 đang bùng phát mạnh. Bối cảnh đó là một thách thức lớn cho cả ngành giáo dục nói chung và giáo dục trẻ khuyết tật nói riêng. Với sự nỗ lực, cố gắng và chuyển đổi linh hoạt trạng thái, các hoạt động của Trung tâm hầu như không bị gián đoạn, ngay cả hoạt động hỗ trợ giáo dục hòa nhập. Các hoạt động còn lại: Sàng lọc, đánh giá, can thiệp sớm và giáo dục hướng nghiệp vẫn được Trung tâm triển khai bình thường.
Với đặc thù kết hợp cả mô hình giáo dục đặc biệt và mô hình giáo dục hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật, Trung tâm Ngọc Ân còn đứng trước thách thức lớn hơn nữa khi cùng lúc đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau; làm việc và đào tạo các học sinh ở đa dạng lứa tuổi (từ 2 tuổi đến trưởng thành). Điều này đòi hỏi Trung tâm phải có đội ngũ cán bộ, giáo viên dày dặn kinh nghiệm.
Nhận xét về tiềm năng, thế mạnh của Trung tâm Ngọc Ân, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho biết: “Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân là một cơ sở nghiên cứu và giáo dục cho trẻ khuyết tật tại Hà Nội, được đầu tư đầy đủ về cơ sở, trang thiết bị đồ dùng học tập. Trung tâm có đội ngũ cán bộ, giáo viên được đào tạo bài bản và phù hợp với yêu cầu công việc. Ngoài ra, Trung tâm còn có lực lượng cộng tác viên là những chuyên gia đầu ngành về y tế, về giáo dục và về phục hồi chức năng cho người khuyết tật…”.
“Trung tâm Ngọc Ân là một mô hình giáo dục toàn diện cho học sinh khuyết tật nói chung và học sinh tự kỷ nói riêng. Tại Hà Nội, chưa có cơ sở giáo dục nào có thể hỗ trợ trẻ khuyết tật từ giai đoạn can thiệp sớm đến giáo dục nghề nghiệp. Đây là một mô hình rất phù hợp với thực trạng giáo dục trẻ.