Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) sắp diễn ra (5 - 7/12). Trong khấp khởi những ý tưởng mở ra trước ống kính chuyên nghiệp, trong ngổn ngang những băn khoăn của người làm nghề, là một câu hỏi dành cho vấn đề luôn "nóng" dù không mới: Bản quyền ảnh.
Giữa những giải thưởng
Theo thống kê của VAPA, từ năm 2009 đến nay, Hội đã tổ chức được 55 cuộc thi ảnh cấp quốc gia, quốc tế và khu vực, với hơn 18.000 lượt tác giả và gần 140.000 ảnh tham dự. Từ các "sàn đấu" ấy, các "tay máy" của Hội đã có tới 8.500 tác phẩm được công bố, triển lãm, trong đó có 424 huy chương (vàng, bạc, đồng). Không chỉ người tổ chức mà cả các nhiếp ảnh gia cũng thừa nhận sự đổi mới về cách thức tổ chức ở các cuộc đua tài về ảnh. Ở đó, VAPA đã áp dụng triệt để công nghệ mới với thiết bị kỹ thuật số và đường truyền internet để tổ chức cuộc thi, từ thông báo thể lệ, thu nhập file ảnh, cho đến chấm chọn, thẩm định tác phẩm. Cũng vì thế, mà riêng VN-13 đã hội tụ được 15.000 tác phẩm của gần 1.500 tác giả từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ; các liên hoan ảnh khu vực thường kỳ cũng ngày một đông các "tay máy" tham gia.
Tuy nhiên, những lùm xùm trong làng nhiếp ảnh thời gian qua chủ yếu cũng từ các cuộc thi; những tranh cãi giải thưởng cũng loanh quanh ở chuyện chấm chọn và "ăn cắp" bản quyền. Đúng như phân tích của người làm nghề, hiện tượng lạm dụng photoshop trong sáng tác là điều rất đáng bàn, không nên đặt sự nghi ngờ "thật, giả" của tác phẩm vào tâm trí người xem. Việc định hướng, phân định rõ phương pháp sáng tác nghệ thuật nhiếp ảnh hiện đại đang là câu hỏi bức thiết đối với VAPA. Vấn đề vi phạm bản quyền ảnh, hiện tượng gian lận trong dự thi... đã gây bức xúc không chỉ trong nội bộ hội viên của VAPA mà còn tạo hình ảnh xấu về hoạt động nhiếp ảnh trước công chúng.
Lời giải là Trung tâm bảo vệ bản quyền ảnh
Trả lời báo chí bên lề Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của VAPA, ông Vũ Quốc Khánh - Chủ tịch VAPA không giấu "cái khó" là việc xử lý vi phạm bản quyền ảnh hiện nay đang khá lúng túng. Dù trong Luật đã có những quy định về mặt đền bù, nhưng đền bù thế nào, bao nhiêu cho vừa đối với từng vụ vi phạm lại khó phân định. Ví như ai đó lấy file ảnh của người khác, chỉnh sửa rồi thêm vài chi tiết thành của mình, vậy xử phạt bao nhiêu là vừa? Thực tế, những vi phạm kiểu này bị xử phạt rất nặng ở nhiều nước trên thế giới, song ở Việt Nam lại rất khó… phân xử. Tất cả mới chỉ là những ồn ào tranh cãi, để đi đến vài ba lời xin lỗi ở cuối một sự vụ…
VAPA cũng đã tính đến một Trung tâm bảo vệ bản quyền ảnh để giải quyết những bất ổn trong hoạt động nhiếp ảnh, đồng thời để hướng hoạt động này đến sự chuyên nghiệp hơn. Song ông Khánh "nói thật": Nhân lực và ngân sách của VAPA rất khó để biến ý tưởng này thành hiện thực. Hiện nay, VAPA chưa có luật sư và những người chuyên trách về bản quyền, vì không có ngân sách.
"Có thực mới vực được đạo", chẳng hạn như có một vụ vi phạm bản quyền ảnh, muốn xử lý phải cử người điều tra, ai trả công? Rồi nếu tìm ra sai phạm, cuối cùng chỉ là vài ba lời xin lỗi, thì ai là người đứng ra thanh toán những chi phí để phân định những tranh chấp về bản quyền?…" - ông Khánh bày tỏ.Vậy là, sau rất nhiều tranh cãi, vấn đề bản quyền ảnh vẫn chưa tìm thấy lối ra. Đây vẫn sẽ là vấn đề "nóng", dù không mới, trong làng nhiếp ảnh Việt, nếu như chưa có cây gậy pháp lý nâng đỡ các “tay máy” chuyên nghiệp.
Kinhtedothi - Du khách tham quan triển lãm ảnh ''Hà Nội trong tôi'' tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Phạm Hùng |