Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mở rộng để tăng sức cạnh tranh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tuần qua, Tổng cục Hải quan đã quyết định công nhận thêm 2 doanh nghiệp (DN) ưu tiên đặc biệt trong lĩnh vực hải quan, nâng tổng số DN được công nhận ưu tiên lên 16 DN.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả Chương trình DN ưu tiên (DNƯT), thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung để hoàn chỉnh những quy định liên quan đến Chương trình.

Nhiều ưu đãi thiết thực

Theo "Chế độ ưu tiên đối với DN đủ điều kiện" quy định tại Thông tư 63/2011/TT - BTC, những DN áp dụng chế độ quản lý mới này được hưởng nhiều lợi ích thiết thực: Được ưu đãi khi làm thủ tục hải quan, trong đó thiết thực nhất là được giảm tỷ lệ kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) hoặc không kiểm tra tại chỗ, được cơ quan hải quan hỗ trợ trong khai báo thực hiện quy định của pháp luật... tạo thuận lợi cho các DN có lưu lượng hàng hóa XNK lớn, ổn định, giảm thời gian thông quan, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các DN. Ngoài ra, DN cũng được ưu tiên về thời hạn nộp thuế, lệ phí hải quan và áp dụng chế độ hoàn thuế trước, thanh khoản trước, kiểm tra sau. Đặc biệt, "danh hiệu" DNƯT còn có sức nặng đáng kể trong việc giúp DN nâng tầm thương hiệu và uy tín.

Điển hình như Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn thay vì mất khoảng 12 giờ hiện chỉ mất 1 - 2 giờ để hoàn thành thủ tục thông quan cho mỗi lô hàng. Điều này đã đáp ứng được nhu cầu vật tư cấp bách, chính xác của quá trình bảo dưỡng nhà máy… Ngoài ra, các DN tham gia chương trình còn giảm đáng kể một số khoản chi phí như Công ty Canon đã tiết kiệm được tổng số các loại chi phí 213 USD/tháng, tương đương 2.556 USD/năm từ khi tham gia chương trình… Đặc biệt, theo Liên doanh dầu khí Vietsovpetro, chỉ tính riêng các lô hàng về bằng đường hàng không đã giảm được hàng trăm triệu đồng tiền lưu kho mỗi tháng…

Mở rộng để tăng sức cạnh tranh - Ảnh 1

Làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu Lào Cai. Ảnh: Trần Việt

Hiện, tỷ trọng hàng hóa XNK của 12 DN trong nhóm ưu tiên đạt 20 tỷ USD/202 tỷ USD tổng kim ngạch, tương đương với 9,9% kim ngạch XNK toàn quốc. Những ưu đãi về hải quan chắc chắn sẽ góp phần tăng sức cạnh tranh, đẩy mạnh tỷ trọng XNK của các DN này.

Lựa chọn doanh nghiệp “sạch”

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, cả nước có hơn 220.000 DN hoạt động XNK, trong đó có 100 DN có kim ngạch trên 500 triệu USD và khoảng 100 DN xuất khẩu nông, thủy sản có đủ điều kiện áp dụng cơ chế này. Tuy nhiên, bên cạnh các điều kiện đủ theo tiêu chí, DN phải khẳng định được niềm tin với cơ quan Hải quan.

Việc thực hiện Chương trình DNƯT đã và đang đặt ra những thách thức đối với ngành hải quan trong bối cảnh gian lận thương mại diễn ra khá phổ biến như hiện nay. Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Phú Đông, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải Quan) cho hay, hiện nay trên thế giới mới có trên 50 nước đã và đang triển khai những ưu tiên cho DN Việt và mức độ triển khai được xếp vào nhóm những nước triển khai sớm. Nhưng cũng chính vì triển khai sớm nên chúng ta chưa tham khảo được nhiều kinh nghiệm ở các nước bạn. Hơn nữa, cơ sở dữ liệu để đánh giá chính xác về DN, Tổng cục Hải quan cũng chưa có nhiều. Đây là một khó khăn cho cơ quan hải quan và cả DN, ngành hải quan sẽ tìm cách tháo gỡ. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả Chương trình DNƯT, thời gian tới, Tổng cục sẽ giải đáp các vướng mắc liên quan đến miễn kiểm tra hồ sơ, hàng hóa; vấn đề sửa đổi, bổ sung tờ khai; thời gian, quy trình thẩm định… và sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để hải quan địa phương và DN thực hiện. Một số quy định khác trong Thông tư 63 như chế độ kiểm toán, mức kim ngạch, hay một số nội dung chưa có trong Thông tư và các vấn đề quan trọng khác sẽ được nghiên cứu bổ sung theo hướng đảm bảo theo khung tiêu chuẩn của Tổ chức Hải quan thế giới và kinh nghiệm một số nước. Điều này nhằm đảm bảo mục tiêu trong tương lai là thực hiện việc công nhận DNƯT lẫn nhau giữa Hải quan Việt Nam và hải quan các nước. Các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, chế độ quản lý; công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương phát triển DNƯT với những lợi ích của chương trình; tổ chức tập huấn, đào tạo… cũng sẽ được Tổng cục chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung thực hiện hoàn chỉnh trong thời gian tới.

DNƯT phải là những DN có độ rủi ro thấp nhất, đáp ứng đủ 7 điều kiện, trong đó, DN có quá trình tuân thủ pháp luật hoặc đã có sai phạm nhưng chỉ bị xử phạt hành chính không quá 3 lần với mức phạt mỗi lần không quá 20 triệu đồng; Có kim ngạch XNK lớn (với doanh thu XNK các mặt hàng tối thiểu 500 triệu USD/năm; Kim ngạch XK đạt tối thiểu 100 triệu USD/năm với hàng nông, thủy sản, dầu thô có xuất xứ thuần túy Việt Nam; Những DN SX trong lĩnh vực công nghệ cao được Nhà nước khuyến khích đầu tư, có yêu cầu đặc biệt về quy trình sản xuất và quản lý sản phẩm). Thời hạn áp dụng chế độ ưu tiên là 12 tháng kể từ ngày ký Quyết định. Sau thời hạn này, Tổng cục Hải quan sẽ đánh giá lại để xem xét gia hạn áp dụng chế độ ưu tiên đối với công ty.