Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật TGPL năm 2017 là diện người được TGPL đã được mở rộng so với Luật hiện hành. So với Luật TGPL năm 2006, diện người được TGPL đã được mở rộng (từ 6 diện người lên 14 diện người). Theo đó, 2 đối tượng được kế thừa hoàn toàn từ Luật TGPL năm 2006 là người thuộc hộ nghèo và người có công với cách mạng; 2 đối tượng được kế thừa và mở rộng là trẻ em không nơi nương tựa thành tất cả trẻ em, người dân tộc thiểu số "thường trú" được mở rộng thành "cư trú" tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, Luật TGPL năm 2017 đã bổ sung 2 nhóm là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (hiện nay đang thuộc trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự) và người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo để bảo đảm chính sách hình sự đối với các nhóm đối tượng này. Ngoài ra, Luật có quy định mới trong việc áp dụng điều kiện có khó khăn về tài chính đối với 8 nhóm người như tại khoản 7, Điều 7 Luật để cung cấp cho những người thực sự có nhu cầu nhưng không có khả năng tài chính để thuê dịch vụ pháp lý. Chính phủ sẽ có quy định chi tiết về điều kiện có khó khăn về tài chính áp dụng với các nhóm người này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ phát triển của đất nước.
Luật TGPL năm 2017 cũng bổ sung 1 điều riêng về nguồn ngân sách cho hoạt động TGPL. Điều 5 Luật TGPL quy định nguồn tài chính cho công tác TGPL bao gồm nguồn ngân sách Nhà nước, đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước, các nguồn hợp pháp khác. Nhà nước bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan thực hiện quản lý Nhà nước về TGPL theo quy định của pháp luật. Đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, Luật quy định việc ưu tiên bố trí ngân sách từ nguồn bổ sung cân đối ngân sách Nhà nước để hỗ trợ thực hiện vụ việc TGPL phức tạp, điển hình.
Về nguồn lực con người, ngoài đội ngũ trợ giúp viên pháp lý được Nhà nước tuyển dụng để chuyên thực hiện TGPL trên toàn quốc, Luật TGPL năm 2017 còn giao Sở Tư pháp ký hợp đồng thực hiện TGPL với các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật và trả thù lao cho các tổ chức này.
Theo bà Nguyễn Thị Minh - Cục trưởng Cục TGPL (Bộ Tư pháp), thời gian tới, cần tăng cường công tác truyền thông về quyền được TGPL và hoạt động TGPL để nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan có thẩm quyền ở T.Ư và địa phương. Thêm vào đó, việc mở rộng diện người được TGPL như hiện nay đặt ra yêu cầu phải chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện, nguồn lực con người và tài chính cần thiết để bảo đảm tính khả thi khi triển khai Luật trên thực tế.
Để Luật TGPL sửa đổi nhanh chóng đi vào cuộc sống, Bộ Tư pháp đang gấp rút chuẩn bị tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có một số hoạt động quan trọng như: Phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật; xây dựng, trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành các văn bản quy định chi tiết, thi hành Luật theo thẩm quyền, bảo đảm hiệu lực thi hành đồng thời với Luật... Bên cạnh đó, với yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL, cá nhân và tổ chức thực hiện TGPL phải có kế hoạch tự hoàn thiện, bổ sung kiến thức, kỹ năng hành nghề mới có thể đáp ứng được trong tình hình mới.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội đã phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức được 143 đợt TGPL lưu động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho 10.769 người, tư vấn pháp luật miễn phí cho 3.262 người. |